Nhãn

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)





                      Ký ức làng Cùa

                        Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                      Chương bốn


                                                                       
                                                                1

         Từ khi chánh Đàm chết, người quản lý cơ nghiệp họ Khúc là bà cả Huê. Khúc Luận được bà ta nuôi dạy như con đẻ. Thậm chí nó còn được cưng chiều hơn cả Khúc Thị Huệ, lúc này đã bốn tuổi, giống thằng anh như đúc mặc dù chúng không cùng một mẹ sinh ra. Tất nhiên là bà ta thâm thù Mạc Thị Lánh. Chính vì cô ta - con đĩ lăng loàn trời đánh thánh vật - mà chồng bà phải chết. Cái chết của Khúc Đàm làm thanh danh gia đình bị hoen ố, là đề tài cho thiên hạ đàm tiếu. Nhưng thằng con do cô ta đẻ ra lại quý như vàng. Nếu không có nó, toàn bộ gia tư điền sản sẽ rơi vào tay kẻ khác mà trước hết là mấy đứa con của Khúc Kiệt. Lão này biệt tăm bảy tám năm, thỉnh thoảng mới mò về mà lại toàn về vào ban đêm. Cánh lý dịch từ lâu đã nghi lão đang làm việc cho một tổ chức bí mật nào đó chống lại nhà cầm quyền nên cách ăn nói khác hẳn thời kỳ còn làm thày đồ gõ đầu trẻ. Nhà họ Khúc sau này phải có một người đàn ông làm chủ, và người đó sẽ là Khúc Luận. Bỏ qua mọi định kiến của phường nhi nữ thường tình, quyết định của bà có ý nghĩa lịch sử đối với truyền thống vốn rất bảo thủ của các bậc phụ huynh làng Cùa. Bà nhồi nhét vào cái đầu trẻ thơ của Khúc Luận lòng hận thù và niềm khinh bỉ đối với người đã sinh ra nó. Mỗi ngày một ít, như mưa dầm thấm lâu, phương thức giáo dục đầy tính vụ lợi của người đàn bà đáo để này đã làm méo mó hình ảnh bà Ba trong tâm trí thằng bé. Đại khái ý niệm thường trực của nó luôn coi mẹ là người đàn bà lẳng lơ đĩ thoả, bỏ nhà theo trai, tội đáng gọt tóc bôi vôi thả bè trôi sông. Còn Lê Văn Vận là tên vong ân bội nghĩa, giết bố vợ cướp vợ bé của ông ta rồi đem nhau đi trốn. Chánh Đàm đã về với tổ tiên, bà cả Huê tô vẽ lão ta thành một thứ thần tượng để nhào nặn Khúc Luận theo quan điểm giáo dục của mình. Đó là lòng hận thù đến tận xương tuỷ và sự khinh miệt nhân cách đối với kẻ đã phá vỡ bức thành đồng gia pháp, đảo lộn cương thường, gây ra màn bi kịch độc nhất vô nhị ở vùng Ba Tổng.

Khúc Luận đến tuổi đi học. Thầy dạy là ông khoá Nhưng người làng Buộm. Khoá  Nhưng chưa đến bốn mươi, có máu gió trăng, chữ xấu như gà bới nhưng ăn mặc bảnh choẹ, nói đâu ra đấy làm bà Cả động lòng. Hai người đầu mày cuối mắt xem ra tâm đầu ý hợp lắm nhưng còn ngại mẹ con bà Hai. "Phải tìm cách tống lũ này đi nơi khác". Bà ta nghĩ vậy mà luôn chờ dịp thực hiện âm mưu của mình. Một hôm bà Cả gọi mẹ con bà Hai lên nhà bảo:
- Tôi nghĩ mãi rồi. Mấy năm trước hai đứa con nhà chị Hài còn bé thì không nói làm gì, giờ cả thằng Luận và chúng nó đều lớn, đã hiểu biết đôi chút xem ra khó có thể ở chung được vì vụ án anh Vận giết ông Chánh … Tôi đã hỏi mua được ngôi nhà của trương Đáp ở xóm Trại Cá, dăm hôm nữa, tu sửa xong dì và mẹ con con Hài sẽ chuyển ra đấy.
Biết phận mình lẽ mọn lại không có con trai trước sau cũng bị bà Cả đuổi khỏi nhà, bà Hai chẳng thèm xin xỏ gì, thản nhiên gật đầu:
- Chị nói phải, nhưng mẹ con tôi không ở xóm Trại Cá mà ngay ngày mai sẽ sang sông về làng Nội.
- Cái đó thì tuỳ dì thôi - Bà cả cười nhạt nhìn mái tóc điểm bạc của bà Hai, thủng thẳng bảo - Nhưng sang sông thì phần gia tài của mẹ con gì không được mang theo.


                                                                        2


Những trận mưa liên miên từ đại ngàn dồn về sông Lăng làm ngập cả cồn Láng cồn Vành. Gió chạy ào áo. Sóng vỗ oàm oạp. Nước phù sa đục ngầu giận dữ lao băng băng như muốn thoát khỏi con đê mỏng manh, chờm vào những cánh đồng chiêm trũng để giải phóng bớt năng lượng. Tháng bảy, lúa đang thì con gái. Khắp lượt các cánh đồng Mả Gạch, Mả Dứa, Đồng Gà xanh mướt một màu. Trên gò đống hoặc ven bờ ruộng, những đứa trẻ đội nón lá, quàng áo tơi chăn trâu. Mưa kéo dài, trâu buộc cuồng chân cà sừng vào gióng chuồng đòi ra. Bọn trẻ thả trâu gặm cỏ rồi vồ châu chấu. Những con chấu cái bụng đầy trứng, toàn thân xanh thẫm màu lá lúa, bị ướt, vỗ cánh một cách khó nhọc. Có con không đủ sức vượt chặng đường khá dài đến gò đống rơi cả xuống nước. Chấu đực nhỏ gầy như đầu đũa, bay ràn rạt hàng đàn. Lũ này có vẻ lười tuy chúng bay rất khoẻ. Các chàng đa tình này  thường "ngự " trên lưng các "nàng" tạo thành một cặp chênh lệch như là mẹ cõng con. Thấy động, chấu cái bay lên như tàu "bà già"[1] mang theo cả anh bạn đại lãn không mấy chung thuỷ. Cào cào đầu nhọn đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng bay vù vù. Mỗi khi bay chúng chẳng cần phải vỗ cánh lấy đà. Chạm người hoặc bước chân trâu tới gần, chỉ nghe đến "xoẹt" một tiếng, đã thấy chú ta lơ lửng trên trời để rồi vài giây sau lại đỗ xuống một mô đất nào đó cách đấy không xa dù rằng mưa vẫn như trút nước. Lũ cà cộ và châu chấu ma vô cùng tinh khôn. Chấu ma ngắn người, to xác, khoác bộ y phục sặc sỡ bẩn thỉu, đôi chỗ điểm các vòng đen lấm tấm vàng giống như mắt quỷ. Vùng Ba Tổng không ai ăn châu chấu ma nên chúng tha hồ sinh sôi nảy nở, tự do dọc ngang trên khắp các dải đồng. Nơi cư trú lý tưởng nhất đối với bọn này là những ruộng lạc, ruộng đỗ, ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch. Chấu ma bay rất cao, có lúc cả đàn vù vù trên đầu như xay lúa. Chúng không sợ trời mưa. Càng mưa càng bay khoẻ. Nhưng những hiệp sĩ nổi tiếng của đồng chiêm thì phải giành cho các chàng cà cộ. Bọn này thực chất thuộc nòi châu chấu nhưng to xác hơn cả chục lần. Những chú trưởng thành thường khoác bộ cánh xanh lá mạ hoặc vàng rơm với cái đầu vuông gồ lên, hai con mắt lồi ra trong suốt như thủy tinh trông rất hiếu chiến. Cà cộ thường kiếm ăn trên các trà ruộng hoang. Ban đêm chúng phát ra thứ âm thanh gọi bạn nghe cành cạch như là tiếng hai thanh tre gõ vào nhau. Khu đồng vàn có những gia đình cà cộ cư trú lâu đời. Lúc tạnh ráo, lũ choai choai tập nhảy tanh tách, con nào cũng mỡ màng bụng nhẵn bóng, đầu thò ra cặp râu dài đen như hai sợi tóc. Trên cao một cặp sáo đen vừa liệng những vòng cuối cùng vừa kêu chíp chíp giống tiếng nhị hen của xếp Đáy - một lão quăng chài nát rượu thường ra bờ ao ngồi "cò cử" mỗi khi chếch choáng hơi men.
Chiều chiều, lũ trẻ dắt trâu về đến cổng làng đứa nào cũng kèm thêm giỏ châu chấu lủng lẳng bên sườn. Chỉ cần nhúng giỏ vào nồi nước sôi rồi đổ ra vặt cánh, đem rang với muối, mỡ thêm nhúm lá chanh thái nhỏ là đã có một món ăn trong bữa cơm đạm bạc của những gia đình nghèo.
Như mọi chiều, đàn trâu thủng thẳng về đến bờ mương, sắp sửa qua cổng làng thì bỗng từ đình Cả vọng về tiếng trống ngũ liên. Quả nhiên chưa đầy một khắc, khắp nơi đã lao xao tiếng người lẫn với tiếng mõ cá dọc theo con đường từ chùa Vĩnh Hưng xuống xóm Trại Cá. "Vỡ đê rồi !". Có ai đó gào lên như là tiếng nấc của bà già đang uống nước bị  nghẹn. Liền sau đó là những tiếng ào ào, lúc đầu còn có vẻ mơ hồ sau rõ dần, cuối cùng nổ ùng ục như sấm rền. Chuỗi âm thanh chết người ấy chạy khắp đường làng rẽ vào tận cùng ngõ xóm. Nó đến đâu là mang theo thứ nước đục ngầu, đỏ như máu, mát lạnh phù sa. Nó là tín sứ của thuỷ thần đem thông điệp huỷ diệt đến với vùng Ba Tổng.
Trước khi vỡ, ở đoạn điếm Bài Vân, đê sông Lăng đã sạt vài chục thước. Đoạn này vừa thấp vừa mỏng, khi nước lên đến lưng chừng con chạch, ngấm qua tổ mối đùn vào phía trong hàng loạt mạch sủi thì đám dân phu đông đúc vùng Ba Tổng dưới sự thúc ép của tri huyện Nam Thành Cáp Văn Tòng đành bó tay chịu phép. Không đầy nửa giờ, bảy chục thước đê bị khối nước hung hãn màu gạch cua đẩy bật về phía làng Cùa. Như con ngựa bất kham xổng chuồng, đạo quân của thần thuồng luồng mặc sức tung hoành tấn công vào khắp các hang cùng ngõ hẻm của các làng hữu ngạn sông Lăng.  Những chuỗi sấm rền lục bục trên cao cùng với tiếng nước réo ầm ầm từ cái miệng đê lúc này đã toác ra hàng trăm thước thành một bản hợp tấu khổng lồ, rùng rợn chẳng khác gì cơn Đại hồng thuỷ thời tiền sử. Mây đen vẫn vũ trên bầu trời ướt sũng làm đêm xuống rất nhanh tuy lúc ấy mới đầu giờ Dậu. Từ phía nhà Khúc Kiệt có ai đó gào thảm thiết kèm theo là tiếng chuyển động răng rắc giống như tiếng vặn mình của một con trăn khổng lồ sau khi đã nuốt chửng chú dê non. Như vậy là nhà Khúc Kiệt đổ. Tiếng kêu the thé ấy có thể là giọng hoảng hốt của Khúc Thị Nhân. Con bé này xinh đẹp nhất làng nhưng vì có nốt ruồi dưới mắt trái nên khó lấy chồng. Từ lâu Khúc Kiệt đã biệt tăm. Nó tuy là em gái nhưng phải thay hai ông anh lười như hủi quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc bà mẹ ốm yếu. Giờ nhà đổ không còn chỗ chui ra chui vào, nó khóc là phải. Lũ lên rất nhanh, chưa đầy hai canh giờ, làng Cùa đã chìm trong biển nước. Đàn bà, trẻ con bị thuỷ thần tống ra khỏi cửa cùng với các loại đồ vật nổi lềnh phềnh. Mấy đứa con vợ chồng Thường Rỗ bám được vào mái nhà. Thằng anh vòng hai tay ôm cột trụ ngồi lên thanh quá giang, còn thằng em bị gióng kèo gẫy đập vào bả vai, đau quá, phải thả tay ra, thế là rơi xuống nước. Thằng anh tuột khỏi quá giang quờ quạng tìm, nhưng vào đúng lúc ấy một trận gió quái ác lật nghiêng cái chóp còn lại của căn nhà bẹp. Nó bị hất xuống một đống bùng nhùng rào gai lẫn với rong rêu rồi mắc cứng ở đó. Thường Rỗ gào đến khản cổ mà chẳng thấy tăm tích hai thằng con. Hắn lặn xuống ba thước nước hy vọng tìm được một trong hai đứa nhưng cô vợ béo phục phịch lại sắp chìm nghỉm vì không biết bơi, đành phải dìu ra ngọn cây xoan dùng thừng buộc tạm vào chạc ba.
Đau nhất là nhà phó hội Đang. Nhà ông này kín cổng cao tường, cho là nước chỉ lên không quá một thước như trận vỡ đê năm  Sửu (1925) nên vẫn bình chân như vại sai các con kê kích thóc lúa. Ai ngờ lũ về nhanh quá , ngập sâu hơn ba thước, chân móng ruỗng ra, kéo đổ nhà. Mái ngói âm dương ngấm nước, nặng chịch úp xuống đè chết cả bốn mẹ con, chỉ còn mình ông chồng lúc ấy đang ở ngoài sân định đi tìm thuyền.
Nhà chánh Đàm bấy giờ là nơi tị nạn của bất cứ ai trong làng nếu tìm cách vào được. Đây là ngôi nhà hai tầng được họ Khúc xây dựng kết hợp cả hai phong cách kiến trúc bản địa và kiến trúc biệt thự của Pháp thế kỷ mười chín, có diện tích sử dụng khá rộng. Tầng dưới năm gian, hai đầu hai buồng và gian giữa thông với nhau như các căn hộ truyền thống. Tầng trên cũng năm gian nhưng được bố trí thành những phòng riêng biệt. Hai gian đầu là nơi làm việc và nghỉ ngơi của chánh Đàm khi lão ta còn sống. Trước khi làm nhà, có lẽ họ Khúc đã dự tính đến khả năng vỡ đê nên lão cho xây nền móng rất cao. Chính vì vậy, các nhà trong làng ngập đến mái tranh riêng dinh cơ bà cả Huê chỉ đến lưng chừng tầng dưới. Ba mẹ con bà chủ rút vào căn buồng ngay cạnh cầu thang tầng hai. Mấy gian còn lại giành cho bà con hàng xóm. Không những thế bà ta còn mang gạo trợ cấp cho những người ở nhờ. Sau vụ Lê Văn Vận ngộ sát chánh Đàm, bà cả Huê xấu hổ với làng Cùa, mỗi khi có việc ra đường phải quấn khăn đội nón che mặt. Giờ nhân dịp trời giáng hoạ bà phải tranh thủ làm phúc để lấy lại phần nào vị thế của mình. Đêm hôm ấy căn gác nhà Chánh Đàm chật cứng người.
Gần sáng lại một trận mưa như trút nước. Những lằn chớp loang loáng chạy ngang dọc khắp bầu trời rạch bóng đêm thành từng vệt xanh lét kèm theo cơ man nào là tiếng nổ đinh tai nhức óc tưởng như làng Cùa sắp đến ngày tận thế. Nước rào rào trên mái ngói, chảy xối xả chẳng khác gì đứng trên cao dốc cả thùng xuống. Mọi người còn đang hoảng hồn bởi hàng chuỗi những âm thanh kinh thiên động địa còn dữ dằn hơn cả tiếng gầm đại bác một trăm lẻ năm ly thì có tiếng ộp oạp dưới sân. Trong ánh chớp rõ như ban ngày, một người đàn ông ôm  một phụ nữ quần áo ướt sũng, tóc rối bù đang quằn quại như là sắp chết đến nơi. Bà phó lý Dần vội chạy xuống cầu thang dắt người đàn bà lên. Ông chồng mặt tái mét, trên người đánh mỗi chiếc quần cộc bạc phếch thủng lỗ, chỗ giọng mếu máo:
- Các ông các bà ơi, cứu nhà cháu với. Nó sắp đẻ …
Thì ra là vợ trương Thấn. Trương Thấn quanh năm quăng chài ngòi Mác, bắt ếch thành thần. Hắn nghèo rớt mồng tơi, mãi ba mươi tuổi mới lấy được cô Tăng con ông Biểu Ngạch. Cô này trước đã có một đời chồng nhưng anh ta chết sớm vì bị rắn độc cắn trong một lần đi thả rọ cá trê. Cô Tăng đau bụng dữ dội mà đứa bé vẫn chưa chịu ra, anh chồng phải chặt cây chuối dìu vợ đến nhà bà Chánh. Trong số mấy chục người vừa đàn ông vừa đàn bà không ai biết đỡ đẻ. Bà cả Huê đem bộ quần áo sạch cho cô ta rồi bảo nhà Thao con ông vệ Toàn đi đun nước. Cũng may sản phụ mới vỡ ối, cái thai lại thuận chiều nên chỉ già một khắc thằng bé đã lọt lòng mẹ. Bà Phó lý tìm mãi mới được chiếc liềm cắt rốn. Liềm cùn phải cưa đi cưa lại mấy lần mới đứt.
Toàn bộ làng Cùa ngập trong biển nước. Đây đó những hàng tre, những bụi chuối và đám ổi phất phơ dưới làn nước đục ngầu lẫn vô số rác rưởi, giường phản bàn thờ, thúng mủng nổi lềnh phềnh cùng với xác gà chó bắt đầu nặng mùi.
Đến trưa ngày thứ ba thì những kẻ còn sống sót ở làng Cùa thực sự rơi vào một thảm hoạ. Ngay giữa ao đình, một đàn trâu chừng năm sáu con của nhà Phó lý Dần chết từ hai hôm trước giờ trương phềnh chẳng khác gì những con voi cụt vòi bị sóng đẩy giạt vào bờ. Những cặp mắt trắng dã mở thao láo, bất động. Đám lông hung hung đỏ ở trán con trâu đực sứt mũi đã bắt đầu rụng từng mảng. Ngay cạnh nhà Khúc Kiệt, nơi có khoảnh ao rộng vẫn thả bèo cái, phập phều mấy xác lợn. Bụng chúng phình ra như là ăn cám quá no làm cho chiều dài ngắn đi trông giống hệt những chú lợn béo mũm mĩm để trong kiệu được cánh tuần đinh khiêng ra đình tế thần. Chỉ có điều lợn hiến tế thì thơm phức vô cùng hấp dẫn còn loại chết trôi này đang bốc mùi lợm giọng. Kinh nhất là quản Thông chết trong hòm thóc. Cái hòm gian của lão chứa ngót bảy chục thúng . Lúc nước về, quản Thông bắt vợ ngồi lên xà nhà. Lão xúc từng thúng leo lên đưa cho bà ta đổ vào tấm phản quây lá cót. Được độ bảy tám thúng quản Thông bị trượt chân, đổ thang rơi trúng miệng hòm. Lão đang quờ quạng tìm lối ra thì cùng lúc nước phá sập bức tường. Chiếc hòm khổng lồ ngập sâu dưới nước, phải ba bốn ngày sau hàng xóm mới đưa được lão ra cùng với đám thóc lúa đã nảy mầm như là mống mạ sắp sửa đem  gieo. Người Quản Thông thối hoắc, trương lên như con bò mộng không nhét vừa bất cứ thứ quan tài nào. Cánh tuần đinh phải tháo bốn cả một khuôn cửa bức bàn thửa cho lão một cái hộp tạm thời rồi đặt lên bè chuối đẩy ra đống Ba Quai chôn.
Khi nước rút, các gia đình có người mất tích bắt đầu tìm kiếm xác nạn nhân. Khắp vùng Ba tổng đâu đâu cũng nhuốm màu tang tóc. Thằng Đạt con ông nhiêu Soạn lên chín tuổi mải bắt cào cào để trâu xuống tận đồng Quan. Tìm được trâu thì đã tối mịt, nó đội mưa dò dẫm về được đến cổng Mả Gạch thì bị nước lũ cuốn cả người lẫn trâu ra tận đầm Ma. Ông Soạn tìm hai ngày không thấy. Mấy hôm sau có người phát hiện giữa đám bèo tây cách bờ đầm vài thước có một xác chết mới nổi lên. Người nhà khó mà nhận ra thằng bé nếu ở cổ nó không còn chiếc vòng bạc với mấy quả nhạc chạm hình hoa cúc. Chiếc vòng thít lấy cái cổ chật cứng. Khuôn mặt thằng Đạt biến dạng đến mức quái dị. Từ trong hốc mũi, một con đỉa to bằng ngón tay cái dài loằng ngoằng thò ra rồi lại thụt vào. Hai vành tai nhợt nhạt bị lũ cá mương gặm nham nhở, còn cái miệng há hốc rộng đến khủng khiếp, phơi ra hàm răng đen xỉn nhớp nháp phù sa lẫn với rong rêu. Một con cua bằng ngón tay đang dùng càng gặm dần từng tí một thứ thịt đã mủn bốc mùi hôi thối không thể chịu nổi ở các kẽ răng.
Khúc Luận ngồi trên ban công tầng hai thả dây câu xuống sân. Cái lưỡi câu to sụ của nó mắc một con châu chấu đã vặt cánh. Nước vẫn còn cao hơn mặt sân lát gạch Bát Tràng của nhà họ Khúc già một thước. Mấy chiếc thuyền mủng buộc cạnh cửa chính. Đầu hồi còn chiếc bè đóng bằng cây chuối hột của nhà cả Thuần. Ông Thuần đi tìm vợ đã ba ngày nay mà không thấy, đói quá, chống bè vào sân nhờ bà Chánh bữa cơm. Lúc bà cả Huê bưng mâm ra, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào ông ta ôm mặt khóc hu hu làm những người ở nhờ cũng sụt sịt lau nước mắt.
Chốc chốc thằng Luận lại giật được một con lúc thì cá giếc lúc thì cá rô, toàn loại cỡ bàn tay, con nào cũng béo múp. Thằng Tuyền còi con nhà Kim Sẹo cởi truồng chống mủng ra gò Kim Kê đào giun. Chưa đầy nửa giờ nó đã bắt được một gáo dừa. Thằng Luận có vẻ không sát cá bằng thằng Tuyền nhưng toàn nhấc được cá to. Chiều hôm ấy, nó giật được chú chép vàng óng, nặng đến gần một ký, kéo trĩu cần. Bị lôi lên khỏi mặt nước mà mắt nó vẫn đảo loang loáng, vành môi trề ra, còn cặp râu đỏ cong vút khẽ rung rung như là vẫn đang trong giấc mộng êm ái sắp sửa vượt vũ môn hoá rồng.
- Đúng là cá chép sông Lăng - Ông cả Thuần ngắm nghía con cá một thoáng rồi bảo - Có khi nó là con vua Thuỷ Tề, ham chơi quá rồi bị bắt. Theo tôi thì nên thả nó ra. Biết đâu, sau này …
- Thả là thả thế nào. Loại chép này rán giòn nhắm rượu ngon phải biết.
- Mày nói chứ như thành phán ấy - Bà Huê bảo.
- Cháu nói thật đấy. Chốc nữa bà Chánh đem luộc một nửa nấu cháo còn đâu thì rán.
Bà phó lý có màu đồng bóng, trong nhà lập điện thờ, nghe thằng Tuyền còi nói vậy liền bảo:
- Ăn cá lúc này tức là ăn … thịt người chết đấy.
Bà cả Huê nhăn mặt:
- Phỉ phui cái nhà thím này, chỉ nói nhảm.
- Chứ lại không à ? Tôi mà nói sai thì xin đi bằng đầu. Này nhé, vỡ đê nước ngập, người chết, trâu bò lợn gà chết, chôn làm sao kịp. Mà cái giống cá nó bơi khắp nơi, chỗ nào có thức ăn là tìm đến tranh nhau rỉa. Đấy là chưa kể trong làng còn hàng trăm chuồng xí ngập nước nữa … Có vậy nó mới béo múp thế kia. Mọi người thử nghĩ xem tôi nói có đúng không ?
- ờ nhỉ ! - Có ai đó quay ra ban công khạc nhổ.
Bà cả Huê cầm con cá chép bằng cả hai tay lẳng xuống sân.
- Thôi phóng sinh cho mày.
- Kìa mẹ ! - Khúc Luận tiếc đứt ruột vội kêu lên.
- Từ nay ăn cơm với muối rang - Bà bảo con trai - Không câu nữa.

(Xem tiếp kỳ sau)



[1] Một loại máy bay vận tải của quân đội Pháp những năm năm mươi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét