Nhãn

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Việt Nam Văn hội đệ bát kỳ trích lục


       Việt Nam văn hội đệ bát kỳ trích lục

                                                                                      Đặng Văn Sinh
                   

                         Nhà văn Thùy Dương

Chị thành tâm mong muốn văn chương hãy đi cùng nhân dân rồi nêu ra một dẫn chứng khiến người cầm bút phải suy nghĩ. Ấy là 74% lợi tức xã hội do một thiểu số vài phần trăm những kẻ có thế lực mà phần lớn là tầng số dân nghèo lớp quan chức “đầy tớ dân” chiếm giữ, đại đa chỉ được hưởng 26% còn lại.

Sự cố tham luận

            Cho đến buổi chiều 04 / 8 / 2010, do phải chờ ban kiểm phiếu 7 tiếng đồng hồ để có danh sách đề cử Ban Chấp hành nên đã có 18 nhà văn được Đoàn chủ tịch mời đọc tham luận nhưng có đến 14 vị bị vỗ tay yêu cầu rời khỏi diễn đàn. Nhà văn Trần Thanh Giao đọc đầu tiên cũng là người đầu tiên bị đại hội vỗ tay không hoan nghênh mời xuống tuy bài viết của ông rất đúng đường lối chính sách của Đảng nhưng ngôn từ sáo rỗng, nặng về hô khẩu hiệu mà lại tràng giang đại hải, mất thời gian. Tham luận của tiến sĩ Phan trọng Thưởng thì nặng về học thuật của mỹ học  Xô viết những năm năm mươi bị vỗ tay mời xuống ba lần. Tôi nghĩ, trước khi lên diễn đàn đại hội chắc là ông viện trưởng này rất tự tin nhưng thật không ngờ, niềm tin ấy phản lại mình. Trong khoảnh khắc lúng túng, ông quay về phía Đoàn chủ tịch cầu cứu “ Hay là tôi nói không đúng”. Khốn nỗi Đoàn chủ tịch dường như cũng ở vào thế bị động, chẳng vị nào lên tiếng, nhà văn cố trấn tĩnh đọc tiếp được vài dòng thì tiếng vỗ tay lại ran lên từng nhịp, rất đều, rất lâu khiến ông chẳng còn đủ kiên nhẫn đứng trước micro. Giáo sư Phong Lê vừa lên bục đã hùng hồn tuyên bố “Nếu đại hội vỗ tay là tôi xuống ngay”. Ông vừa dứt lời thì bên dưới vỗ tay rào rào như là cố tình trêu ngươi vị cựu viện trưởng viện Văn. Ông sững người nhưng cũng giữ lời hứa, vừa nhớm chân bước xuống, Trần Đăng Khoa ngồi gần đó bảo:” Bác cứ nói đi”. Bài viết của Phong Lê mang tựa đề “Văn học với hiện thực hôm nay và sự đồng hành của hơn bốn thế hệ viết”. Cũng như những công trình nghiên cứu của ông trước đó, bài viết khá dài với những nhận định chung chung, ít thông tin thiết thực mà nặng về con số thống kê mang tính hình thức. Bài viết không tương xứng với danh xưng của một giáo sư mà chỉ dừng lại ở  trình độ một thầy giáo ngữ văn bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận ở ông niềm trăn trở về tình trạng đất nước đang bị thế lực ngoại bang đe dọa, về sự toàn vẹn lãnh thổ trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy toàn văn của bài đã được đăng tải trên Văn nghệ quân đội số tháng 8 / 2010, nhưng đọc rồi  suy ngẫm, người ta vẫn thấy có cái gì đó không ổn trong cách diễn đạt. Có vẻ như ông đã già, bút lực mòn mỏi, không thoát khỏi được cái bóng của chủ nghĩa hiện thực XHCN đè nặng lên tâm thức từ mấy chục năm trước. Các nhà văn ở vào thời điểm hiện tại phải nói là khá nhạy cảm, hơn nữa thời gian tối đa cho phép chỉ là mười phút, diễn giả không lường trước điều này là bị stop ngay. Quả nhiên mới chỉ đọc được một phần ba bài, tuy với giọng rất hùng hồn, ngữ điệu sang sảng, vị giáo sư đáng kính, vẫn bị mời xuống bằng những tràng vỗ tay không mấy kính trọng. Cảm thấy bị xúc phạm vì đám cử tọa “thiếu văn hóa”, Phong Lê mặt sát khí đằng đằng, bước huỳnh huỵch khỏi diễn đàn chẳng thèm nhìn ai.
            Bài tham luận được đại hội hoan nghênh nhất là bài “Giao kèo với nhà văn” của Thùy Dương. Tôi thật ngỡ ngàng trước văn tài và dũng khí của nữ nhà văn đang là phó tổng biên tập một tờ báo có tên tuổi ở thủ đô. Đúng là “nói phải củ cải cũng nghe”. Bài viết của Thùy Dương ngắn gọn nhưng giàu thông điệp, xúc động, và cái chính là nắm bắt đúng nhịp thời đại, vốn là những vấn đề nhạy cảm đang ràng buộc một cách vô hình rất khó thoát ra được của người sáng tác. Đó là vấn đề tự do sáng tác của nhà văn, một thứ tự do đúng với nghĩa của nó chứ không phải thứ tự do ban phát hay tự do có định hướng. Chị cũng ngầm gửi đến những người cầm quyền một thông điệp về những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bị băng hoại, những khát vọng cao cao cả dần dần mai một, thay vào đó là những giá trị ảo nhưng được tô son trát phấn, kích lên bằng những ngôn từ sáo rỗng. Chị thành tâm mong muốn văn chương hãy đi cùng nhân dân rồi nêu ra một dẫn chứng khiến người cầm bút phải suy nghĩ. Ấy là 74% lợi tức xã hội do một thiểu số vài phần trăm những kẻ có thế lực mà phần lớn là tầng lớp quan chức “đầy tớ dân” chiếm giữ, đại đa số dân nghèo chỉ được hưởng 26% còn lại. Hố ngăn cách giầu nghèo mỗi ngày một lớn. Xã hội đang phá vỡ, rối loạn mà nhà văn thì e ngại đang tự biên tập cái đầu của mình.

 Sự cố bị “ mất điện”

       
Nhà văn Trần Mạnh Hảo trên diễn đàn

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gửi tham luận “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước”  lên Đoàn chủ tịch từ rất sớm nhưng  chờ mãi vẫn không được đọc, ông liền đứng dậy cầm micro nói. Vừa được mấy câu thì tự nhiên hệ thống truyền thanh bị trục trặc mặc dù chất lượng loa máy của Học viện chính trị  Quốc gia xưa nay vẫn được xem là tuyệt hảo. Nhà văn Hữu Việt nói to:” Làm thế với nhà văn là không được”. Trần Mạnh Hảo bức xúc tuy vẫn cố kiềm chế, đến hàng ghế thuộc khu vực các nhà văn phía Bắc, tôi và nhà văn Đình Kính cứ ngỡ là cái mic “trục trặc” thật liền thay nhau cẩn thận chỉnh sửa nhưng  chúng tôi đã nhầm. Không phải tại micro. Cùng lúc, Trần Mạnh Hảo bước lên phía Đoàn chủ tịch. Ông nói khá gay gắt nhưng vì hội trường quá đông (đại biểu, quan khách cùng phóng viên báo chí tác nghiệp gần 1000 người), loa máy câm tịt, mọi người chỉ loáng thoáng nghe mấy câu, đại ý,  Đại hội chỉ chăm chăm bầu cử. Đại hội  nhà văn bị đánh tráo khái niệm. Ông đề nghị hãy mời Hữu Ước xuống vì ông này không biết viết văn. Không khí hội trường căng thẳng  tưởng như sắp nổ tung, trong khi ấy Đoàn chủ tịch mười lăm vị vẫn bình thản an tọa chẳng ai tỏ rõ chính kiến.
            Sau nhiều lần bị khước từ, cuối cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng được lên diễn đàn đọc tham luận. Bài viết của ông có cái tên “Tổ quốc và tự do”. Hôm nay ông nhẹ nhàng từ tốn hơn . Ông hoan nghênh ý kiến GS Phong Lê về hiểm  họa nước lớn đe dọa .Ông đề nghị Đại hội Nhà văn khóa VIII ra tuyên bố về chống bành trướng, vốn là hiểm họa tiềm tàng đối với dân tộc Việt Nam. Ông hoan nghênh các nhà lãnh đạo trân trọng trao cho 4 nhà văn thuộc nhóm “Nhân văn giai phẩm” Giải thưởng Nhà nước. Những điều ông nói đều từ gan ruột về đồng đội, đồng bào ta đã hy sinh cho độc lập tự do trong  mấy cuộc chiến tranh. Ông khóc khi nghĩ đên liệt sĩ Chu Cẩm Phong ngã xuống với tư cách nhà văn. Ông hỏi ông Hữu Thỉnh sao trong báo cáo chính trị không nhắc gì đến người anh hùng duy nhất của nhà văn ? Tiếng nói của Bùi Minh Quốc trên diễn đàn làm cho chúng ta đỡ phần nào vô tâm trước bao vấn đề hệ trọng của đất nước. Ngay trong đội ngũ của mình ông cũng cô độc nhưng người chiến sĩ ấy vẫn kiên định vì lẽ phải, vì tổ quốc VN yêu dấu. Hôm nay các đồng nghiệp của ông chưa hiểu hết thì rồi đây họ sẽ hiểu . Nhà văn khi ở ngoài nhân dân thì còn gì là người nhân dân tin cậy yêu mến nữa. Khi bị một số đại biểu vỗ tay phản đối,  Bùi Minh Quốc bình tĩnh nói một câu đầy ý nghĩa:”Khi các anh tán thành ý kiến của tôi, tôi biết các anh là ai, cũng như phản đối ý kiến tôi, tôi cũng biết các anh là ai”.
Tham luận của tác giả “Lên miền Tây” và “Mẹ vẫn đào hầm” và bị chuông vang lên cắt ngang nhiều lần, và bằng một động tác cố tình, Đoàn chủ tịch tuyên bố hết giờ làm việc , Bùi Minh Quốc phải bỏ dở.  Hôm qua do kĩ thuật nên cắt micro của Trần Mạnh Hảo, hôm nay (05/8/2010) tuyên bố hết giờ khi nhà văn đang nói. Điều này gây một tâm lí quân sự . Buồn ơi là buồn. Nhưng phải cảm ơn Bùi Minh Quốc đã cất lên tiếng nói vì Hoàng Sa, Trường Sa trên diễn đàn Đại hội VIII... (trannhuong.com

                
                              Nhà văn Bùi Minh Quốc trên diễn đàn

Sự cố bầu cử

            Ban kiểm phiếu gồm 54 người, tuy rất hoành tráng nhưng công đoạn kiểm phiếu đề cử Ban chấp hành thì đúng là một hình thức thử thách lòng kiên trì của đại biểu. Vì không được tập huấn, hơn nữa số đại biểu được đề cử rất đông (trên ba trăm người), thành thử các thành viên khá lúng túng trong việc ghi danh, thống kê số lượng và tổng hợp. Đoàn chủ tịch gỡ thế bí bằng cách xin lỗi và liên tục mời đọc tham luận. Có điều ở vào thời điểm nhạy cảm, nghe mãi cũng chán, hội trường ồn ào như vỡ chợ. Các bản tham luận thường xuyên bị vỗ tay phản ứng vì quá dài , lại lan man, ít thông tin, không ít vị nặng về phô diễn học thuật hoặc dạy đời.
 Phải bảy tiếng sau mới có kết quả, thành thử đến công đoạn bầu BCH thì một sự cố hy hữu nhưng rất nghiêm trọng xảy ra. Do số lượng hội viên đến hơn bảy trăm vị, phiếu xuất không kịp, mà trời đã tối, thế là cả một khối người đông đảo chen lấn nhau vào phòng in. Có nhà văn nhanh tay túm gọn một tập. Cảnh tượng Đại hội chẳng khác gì thời bao cấp xếp hàng mua thực phẩm bán theo tem phiếu. Ban kiểm phiếu lúc này có vẻ như đã bất lực, không kiểm soát nổi tình trạng hỗn loạn. Cũng may, chủ tịch Hữu Thỉnh đã kịp thời “cứu nguy” bằng một mệnh lệnh yêu cầu các nhà văn bỏ phiếu xong phải ngồi tại chỗ, khi nào Đoàn chủ tịch công bố hết giờ làm việc mới được về. Tuy vậy, ai dám chắc trong lúc “hỗn quân hỗn quan” như thế không có những lá phiếu “ma” lọt vào hòm (!?).
 Đã quá 19 giờ. Lúc này mới gay. Các bậc trưởng thượng cao niên bước thấp bước cao trong màn ánh ánh nhờ nhợ của đèn néon bằng thứ phản xạ không mấy chính xác. Nhà văn Trần Chinh Vũ loạng quạng thế nào bị hẫng, gẫy chân, phải vào bệnh viện. Nhà văn Nguyễn Viết Lãm trên 90 tuổi bị “lạc” khiến phu nhân tháp tùng phải cầu cứu Đoàn nhà văn Hải Phòng tìm giúp. Nhà văn Hà Đức Toàn, hai lần bị tai biến mạch máu não, thập thững chống ba toong lên xe một cách khó nhọc xuýt té nhào. Nói đây là Đại hội của các “bô lão” cũng không ngoa bởi, theo thống kê, số lượng các nhà văn Việt Nam trên 60 tuổi chiếm quá bảy mươi phần trăm. Sự cố bi hài cuối cùng là một nhà văn có tên tuổi bị tát ngay giữa hội trường. Trong lúc giải lao, ông đang ngồi thì một nhà văn từ ngoài vào, rút ra chai rượu “kính biếu”. Nhà văn nhận và cảm ơn xong thì ăn liền hai cái tát với lời cảnh cáo” Đây là cái tát cảnh cáo vì mày dám bêu xấu vợ tao trên báo”. Thật là cách ứng xử “văn hóa” có một không hai của nhà văn Việt Nam ở thời đổi mới. Ôi! Nhà văn!

Hữu Ước mất điểm

Nhà văn Hữu Ước mang lon trung tướng công an ngồi ghế Đoàn chủ tịch. Kết quả phiếu đề cử đạt 284, nghĩa là khá cao nhưng ông tình nguyện xin rút để nhường cho người khác khiến Đại hội tỏ thái độ nể trọng bởi hành vi “chơi đẹp”. Tuy nhiên, khi sắp bế mạc, nhà văn kiêm nhà thơ, nhà viết kịch, nhà hội họa, nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ (sắp tới có thể còn là nhà viết kịch bản hoặc đạo diễn điện ảnh, thậm chí biên đạo múa nữa) lại tự làm mình mất điểm khi ông đứng lên chỉ trích Trần Mạnh Hảo và tự khoe thành tích sáng tác. Tổng biên tập báo Công an nhân dân phê phán gay gắt Bùi Minh Quốc và Trần Mạnh Hảo quậy phá. Chỉ cần một phần ba hội viên có hành vi như vậy thì Hội Nhà văn phải giải tán. Ông nhấn mạnh “Đảng, người ta không sợ nhà văn”. Cuối cùng Hữu Ước lại quay về chỉ trích Trần Mạnh Hảo” Tôi với anh Hảo chơi với nhau hai mươi năm. Tất cả những sáng tác của anh tôi đều đọc nhưng anh không bao giờ đọc của tôi. Anh đừng có kể công là đi chiến trường. Tôi đi bộ đội từ năm mười sáu tuổi, kém gì anh. Anh viết văn tôi cũng viết văn, làm thơ, vẽ, sáng tác nhạc. Tác phẩm của tôi chồng lên dày đến 90 cm (chín mươi phân )…”
Sự thực diễn ra như vậy nhưng cũng phải ghi nhận, trong những phát biểu của mình, ông cũng có được sự tán thưởng của các nhà văn khi đề nghị Đại hội biểu quyết ghi vào Điều lệ là chủ tịch Hội và BCH không được làm quá hai nhiệm kỳ. Cái này thì không thể cãi được. Hoan hô ông trung tướng đa tài! Cứ theo khẩu khí được trình diễn lúc đăng đàn, thiển nghĩ, tình bạn hai mươi năm của các ông khó mà hàn gắn được. Lúc bước ra cửa hội trường lên nhà ăn, Trần Mạnh Hảo nói với một vài anh em “ Vậy là Hữu Ước mất điểm với mình”. 

                                                         Hà Nội, 06/8/2010

                                                                ĐVS





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét