Nhãn

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

NGUYỄN XUÂN DIỆN VÀ VĂN HÓA VIỆT QUA “VÀNG SON TRÊN GIẤY GẤM”

 

 

Đặng Văn Sinh

 


“Vàng son trên giấy gấm” là cuốn sách có hàm lượng văn hóa đậm đặc đến mức tôi phải giật mình bởi kiến văn đáng nể của anh bạn vong niên sẵn máu giang hồ. Người ấy là Nguyễn Xuân Diện, một ông nghè Xứ Đoài với những công trình biên khảo nghiêm túc có giá trị học thuật như “Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù”, “Kiều Oánh Mậu - Cuộc đời và tác phẩm”, “Ca trù - Phía sau đàn phách”, “Tản Viên sơn thánh”, “Đường thi Quốc âm cổ bản”...

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

CÓ NÊN LỚN TIẾNG DẠY DỖ THIÊN HẠ KHI CHÍNH TÁC GIẢ ĐẠO VĂN VÀ VIẾT THƠ ĐƯỜNG BẤT THÀNH CÚ

  

Đặng Văn Sinh

 





Tôi chưa hân hạnh được kết bạn với Khúc Hà Linh trên trên FB, nhưng có một face booker vừa gửi đến bài viết của ông về cách nhận diện thơ Đường và cách làm một bài thơ Đường. Status không dài nhưng giọng điệu cực kỳ cao ngạo, phản ánh tâm thức của một học giả “thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý”, sặc mùi dạy đời, coi nhân quần chỉ là đám học trò thiểu năng trí tuệ, bảo sao nghe vậy.

Đọc xong, tôi bật cười. Bởi lẽ, tất cả những thứ Khúc Hà Linh viết về thơ Đường đều chỉ là sự xào xáo từ những cuốn sách đã xuất bản hoặc nguồn từ liệu có sẵn trên mạng internet. Hơn nữa, lý thuyết về thơ Đường từ khi nó xuất hiện đến nay, trải qua 1400 năm vẫn thế, nhai đi nhai lại chỉ khiến người ta bực mình theo kiểu cụ cố Hồng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

TỪ TIẾNG HÁT SÔNG HƯƠNG ĐẾN ...CÔNG NGHỆ MẠI DÂM

 Đặng Văn Sinh



 Cách đây hơn bốn mươi năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp III, có một lần, trong buổi ngoại khóa, chúng tôi được thầy H. B. N. bình bài "Tiếng hát sông Hương" của nhà thơ Tố Hữu. Thầy bị cụt một tay, người chỉ được một mẩu, đuôi mắt trái lại có mụn ruồi to đùng nhưng giảng văn thì cực hay. Dường như những khi đứng trên bục giảng, thầy đã hóa thân vào tác phẩm, để rồi, trong phút xuất thần, chuyển tải cái nhân sinh quan cộng sản của một ông râu xồm mãi bên trời Tây vào con tim ngu ngơ của đám học trò nông thôn, quần âm lịch, chân đất, vốn chưa biết gì về nạn mại dâm.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

CỒN VÀNH MỘT THUỞ


 

Đặng Văn Sinh

 

Sông Kinh Thầy về đến địa phận Linh Khê bất chợt chia làm hai nhánh. Nhánh chính lượn sát làng Yên. Nhánh phụ qua ngả Tế Sơn.  Ở giữa là bãi bồi rộng chừng vài chục héc ta, dân địa phương thường gọi là cồn Vành. Nhìn từ trên cao, cồn Vành giống như lòng bàn tay khổng lồ, bốn ngón chụm lại, nghiêng về phía hạ lưu, ngón cái choãi ra tạo thành con lạch hai bờ trồng toàn loại chuối tây thân cao vóng chẳng khác gì chuối rừng. Chẳng biết hình thành từ thuở nào nhưng cánh bãi cực kỳ màu mỡ bởi hàng năm, cứ mỗi mùa lũ là phù sa từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về bồi đắp thành lớp trầm tích dày nên cây trồng không cần bón phân mà vẫn tốt bời bời.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

“HÀ NỘI VÀ TÔI”, HOÀI NIỆM THĂNG LONG, NỖI BUỒN NHÂN THẾ...

 


 

Đặng Văn Sinh

 


Tôi quen mới quen biết Vũ Ngọc Tiến vài năm nay nhưng đọc của ông thì từ lâu rồi, chí ít là tập “Rồng đá” với ba truyện ngắn quỷ khốc thần sầu: “Chù Mìn Phủ và tôi”, “Âm bản chiến tranh” và “Vị phồn thực”. Đó là chưa nói đến tiểu thuyết “Quỷ vương”, một tác phẩm khiến nhà văn Hà Nội chính gốc được liệt vào danh sách... phải thường xuyên “chăm sóc”.

Nhưng đến “Hà Nội và tôi” thì khác. Cuốn sách dày ba trăm trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép, lại đích thân giám đốc tổng biên tập Nguyễn Quang Thiều viết lời giới thiệu như một sự đảm bảo bằng vàng, nên đương nhiên được phát hành bình thường.

Cái khác ở “Hà Nội và tôi” không phải ở bút pháp. Bởi lẽ, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự hay văn chính luận, Vũ Ngọc tiến bao giờ cũng đẩy ngòi bút đến tận cùng, dữ dội, thậm chí cực đoan, mà là ở cách ông tìm về quá khứ, khai mở ký ức đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau về một Hà Nội thanh lịch, tử tế xứng đáng là đất Thăng Long ngàn năm văn vật nhưng dường như... một đi không trở lại.

Dưới con mắt Vũ Ngọc Tiến, Thăng Long chỉ còn là hoài niệm, một thứ “phú quý giật lùi”, do những biến động xã hội đã trở thành quá vãng.

Theo thiển ý của chúng tôi , “Hà Nội và tôi” là tập truyện ký, mà ở phần “Hoài niệm Thăng Long”, Vũ Ngọc Tiến sử dụng hồi ức như một biện pháp ẩn dụ ngầm so sánh quá khứ với hiện tại để chứng minh sự suy thoái của một nền văn hóa đất Kinh Kỳ do chính con người gây ra một cách có ý thức. Muốn xây dựng được giá trị sống tốt đẹp một dân tôc phải mất đến vài thế hệ vun trồng, bồi đắp, nhưng hủy hoại nó lại rất nhanh, có khi chỉ cần một cuộc chiến tranh ý thức hệ, một cuộc “cách cái mạng nó đi” là tất cả lại trở về điểm xuất phát. Khi ấy con người sẽ hành xử với nhau theo một chuẩn mực khác, có thể lành mạnh hơn, nhưng phần nhiều là dốt nát, hãnh tiến hơn, vô đạo đức nhưng đầy quyền lực bởi phông văn hóa mỏng và thừa thói hợm hĩnh, kiêu ngạo. Cụ đồ Vũ Duy Huệ trong “Đạo học người Hà Nội xưa” hay ông “vua tơ tằm Đông Dương” trong “Chuyện doanh nhân Mỹ Bảo” là hai minh chứng rất có sức thuyết phục cho phong cách sống mẫu mực của người Hà Nội: trung thực, tín nghĩa, thủy chung như nhất. Vậy thì câu hỏi đặt ra phía sau những trang “hoài niệm” ấy là, vì sao ngày trước người Thăng Long có nếp sống đẹp qua sự tôn sự trọng đạo, giữ gìn chữ tín và ứng xử với nhau tình nghĩa đến như vậy? Rằng vì cơn cớ gì mà phong hóa người Hà Nội xuống cấp đến mức thảm hại khiến cho ngay cả những cư dân gốc gác Thăng Long xưa, sau mấy chục năm ăn nhờ ở đậu xứ người, giờ trở về thấy mình lạc lõng giữa một thành phố xa lạ nhếch nhác?

Hà Nội một thời được xem như mẫu mực của văn hóa phương Đông. Sau khi người Pháp sang khai hóa, Thăng Long với tư cách là thuộc địa nhưng chỉ mấy chục năm đã trở nên một thành phố sầm uất với những khu phố Tây, cầu Doumer, phủ Toàn Quyền, Nhà Hát Lớn và hàng loạt công trình kiến trúc hoành tráng, là niềm tự hào mà các quốc gia trong khu vực không dễ gì có được. Trí thức Tây học xuất hiện ngày càng nhiều cùng với trí thức Hán học trong lòng xã hội phong kiến nửa thuộc địa đang trên đường Âu hóa, nhưng có điều lạ là, người Hà Nội vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Văn hóa cộng đồng tồn tại là bởi sự tích hợp từ những hạt nhân của nó mà quan trọng nhất văn hóa gia đình, dòng họ. Một khi các nấc thang giá tri thay đổi hoặc đổ vỡ tất yếu văn hóa cộng đồng sẽ băng hoại. Vì thế, ở một mức độ nào đó, ta có thể xem, “Hà Nội và tôi” là cuốn sách viết “Lời ai điếu” cho một nền văn hóa đang chết lâm sàng nếu những nhà quản lý ở cấp vĩ mô không có ngay biện pháp chấn hưng. Cứ nhìn vào bố cục tác phẩm, người đọc dù vô tâm đến mấy cũng nhận ra, sự xuống cấp của các giá trị sống Thủ Đô cứ tiệm thoái dần theo những biến động xã hội qua ba tiêu đề: HOÀI NIỆM THĂNG LONG, MUỐN QUÊN MỘT THUỞ và TRĂN TRỞ HÔM NAY.

Ở phần “Hoài niệm Thăng Long”, giống như thời kỳ trầm tích những giá trị căn bản, tốt đẹp nhất bởi kỷ cương xã hội được thiết lập và duy trì trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Người Kinh Kỳ khi ấy, dù lả anh phu xe hay con sen cũng đều có nhân cách tốt đẹp, có liêm sỉ và trọng danh dự. Các giai tầng xã hội luôn ứng xử với nhau theo những chuẩn mực trên ra trên, dưới ra dưới, mỗi cá nhân đều biết rõ vai trò và chức phận của mình nên xã hội không động loạn. Chính vì thế, khi đọc truyện “Mẹ tôi” hay “Hai người đàn bà bán muối”, lòng ta chợt rưng rưng, rồi trong tâm khảm tự nhiên mong ước bao giờ cho đến ngày xưa? Đương nhiên, một cộng đồng dân cư, có tốt đẹp đến mấy cũng không thể loại bỏ hết những thành phần bất hảo, nhưng ngay cả bà Phúc Toàn, một phụ nữ “rách giời rơi xuống” mà vẫn phải chịu sự ràng buộc của luật tộc, phải nhiều năm sau mới dám lén lút về làng cho dù bà ta là chủ hiệu thuốc bắc ở khu ba mươi sáu phố phường. Đọc đến “Một người Hà Nội đi kháng chiến”, ông Y, toàn tâm toàn ý phục vụ chế độ mới, từng làm đến trưởng ty kinh tế, vậy mà sau khi giải phóng Thủ Đô, bỗng nhiên thành kẻ vô gia cư. Như một phản xạ tự nhiên, tôi nghĩ ngay đến nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Gia đình ông đã hiến mấy ngàn lượng vàng cho chính phủ kháng chiến. Khi đất nước yên hàn, vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ muốn xin lại một trong nhưng ngôi đã bị chiếm dụng, vậy mà sau mấy chục năm, những quan chức chính phủ có thẩm quyền vẫn chỉ hứa suông, đến nỗi, một đêm, người con trai phải cõng mẹ “đột nhập” vào ngôi biệt thự như là kẻ trộm...

Vẫn phải nhắc lại “Hai người đàn bà bán muối”. Bà Ích Thái và chị Chanh tuy ở hai đẳng cấp khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng đều có chung một triết lý sống đẹp của phong hóa đất Kẻ Chợ. Người đàn bà chủ sạp vải nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, sau chính sách cải tạo công thương mất sạch cơ nghiệp, chọn nghề bán muối vào dịp áp tết để ngạo đời: “Ơ hay! Sao ông không ăn mà lại nhìn tôi mà khóc? Còn gì là Tết! Ngày xuân... Giữa đời lạt tình tôi đi bán cái mặn mòi. Giữa cái nhộn nhạo, tôi đi rao mời quả phúc. Vui quá đi chứ. Buồn cái nỗi gì” (tr.62). Và đây nữa, một sự so sánh của người nữ doanh nhân khiến những ai đó có lương tri phải mủi lòng: “Tôi đi bán cái mình dư dả cho người đang khao khát, lãi lắm cả nhà ơi! Có mấy tiếng đồng hồ, thu lãi bằng nửa năm lương làm ở tổ hợp tác, can cớ gì phải sĩ diện”... (tr.62)

“Muốn quên một thuở” có thể xem là giai đoạn đệm, chuẩn bị cho một sự đổ vỡ trên quy mô lớn bằng cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp và phong trào hợp tác hóa đẩy đất nước vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Có thể thấy rất rõ, cuộc cải cách ruộng đất cũng như cải tạo công thương nghiệp là một cú đòn trời giáng vào miền Bắc Việt Nam nói chung và không gian Hà Thành nói riêng làm cho mọi trật tự xã hội bị đảo lộn, trong đó, những điền chủ lương thiện, những nhà doanh nghiệp chân chính bị phá sản trở thành kẻ trắng tay, còn bọn lưu manh, vô học nghiễm nhiên nên ông nọ bà kia. Vết thương chí mạng ấy hằn sâu vào ký ức cộng đồng, kéo dài nhiều thế hệ, cho đến ngày nay có vẻ như vẫn còn rỉ máu.

Một nhà triết học Hy Lạp cách đây hơn hai ngàn năm từng nói, chính phủ nào công dân ấy. Hẳn là, không bao giờ một chính phủ loại ba mà lại có công dân thượng đẳng. Cũng bởi những “biến động nhân gian” theo chiều hướng tiêu cực như vậy mới đẻ ra tầng lớp “Bình cá gỗ”, “Bà Tuyết phe”, Tâm sứt hay Bôn Tây. Họ là sản phẩm của xã hội, khi bị những chính sách trái quy luật áp đặt, không còn đường sống, bắt buộc phải tìm cách “phá rào” theo phương châm “to be or not to be” mà Hamlet trong vở bi lịch cùng tên của văn hào W. Shakespeare, để tồn tại.

Văn hóa Tràng An một thuở đã bị thay thế bằng văn hóa công nông. Và một khi thứ văn hóa nặng mùi đấu tranh giai cấp mà nội hàm của nó là chuyên chính vô sản và chủ nghĩa lý lịch thì “thôi rồi, Lượm ơi!”.

Cho nên, Việt Nam mới có một thời kỳ đói dài đói rạc, thậm chí phải ăn cả thứ lương thực chỉ dành cho gia súc. Hạt bo bo là một trong số đó. Giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Và cũng chính ở vào cái giới hạn mong manh của “to be or not to be” ấy, đã nảy sinh những bộ óc thông minh muốn cải tạo hoàn cảnh, khiến không ít người thân bại danh liệt hay mắc vòng lao lý. Họ giỏi giang, không chấp nhận cảnh đói nghèo, đi trước thời gian, tạo nên những chiều kích tác động không nhỏ vào nền kinh tế kế hoạch hóa của hệ thống học thuyết không tưởng chỉ đưa con người đến cảnh bần cùng. Bôn Tây, Ba Toác, Hải “Chichomex” là những trường hợp điển hình trong số đó. Với Bôn Tây thì chỉ có nghề đi tù mới tìm thấy tự do, còn Ba Toác, xuất hiện vào lúc tình trạng xã hội bế quan tỏa cảng đã tương đối cởi mở nên chớp thời cơ làm giầu bằng xảo thuật “lách luật”. Và rồi sau 23 năm nhìn lại, chính nhân vật nổi tiếng một thời đã khiến tác giả rút ra kết luận: “Có lẽ cần phải cảm ơn Ba Toác bởi qua nó, tôi mới ngộ ra những nhân vật ngày ấy của mình chỉ dừng ở mức tỷ phú tiền Việt. Họ giàu phất lên nhờ làm ăn theo kiểu móc ngoặc và lách luật, nhưng so với lứa tỷ phú tiền đô bây giờ thì họ vẫn chỉ là thứ làm ăn cò con, góp phần hình thành tầng lớp trung lưu mới ở Hà Nội giàu mà đa số mỏng học” (“Cùng Ba Toác viết lại câu chuyện cũ”, tr.173). Tuy không nói thẳng ra, nhưng bạn đọc ai cũng ngầm hiểu, cái gọi là móc ngoặc, lách luật ấy chính là những doanh nghiệp núp bóng tư nhân nhưng thực ra lại là sân sau của những ông lớn có chức có quyền nhiều khi khuynh đảo cả nền kinh tế đang ở giai đoạn tiền tư bản. Và có lẽ, cũng chính một mô hình xã hội với cách điều hành bất thường so với phần còn lại của thế giới như thế nên mới xuất hiện những hiện tượng như Mỹ Linh. Từ con gái nhà lành, “trải qua một cuộc bể dâu”, nhờ ơn mưa móc của những “thằng bán tơ” thế kỷ XX, nàng tiểu thư khuê các biến thành nữ tướng cướp xăm trổ đầy mình, trả thù đời, một trong số đó là gã bảo vệ trường mù chữ sắp chết đói do lòng thương người của cụ thân sinh cưu mang. Cho dù sau mấy chục năm, trở thành nữ doanh gia tài năng, lại được thừa kế một gia sản lớn ở Pháp, Mỹ Linh vẫn khao khát một tình yêu đích thực, muốn được người đàn ông xứng đáng là bậc nam nhi vuốt ve âu yếm. Thế mới biết, cho dù bị một xã hội bất lương chà đạp, mất hết niềm tin, nhưng trong nơi sâu thẳm tâm hồn một con người có gốc gác Thăng Long, được hưởng thụ nền giáo dục tử tế của các bậc sinh thành, vẫn còn đủ lương tri trở lại làm người.

Tuy nhiên, “Hà Nội và tôi” không phải không có những con người tốt đẹp giữa lúc nhân tình thế thái chao đảo. Chuyện ông giám thị trại tù, bằng tấm lòng nhân ái đã cảm hóa được bao nhiêu phạm nhân trở thành người lương thiện cũng đáng để cho ta phải suy nghĩ. Giá như, trên đời này có nhiều những cai tù giầu lòng vị tha như thế thì xã hội bớt đi biết bao kẻ tội đồ. Ngày nay, cứ mỗi khi mở báo ra đọc, là lại thấy tức mắt bởi những cái title “cướp, giết, hiếp” lan tràn trên các tờ lá cải câu khách. Vì sao một xã hội được mệnh danh là tốt đẹp nhất, đáng sống nhất mà lại lắm tệ nạn xã hội thế nhỉ?

Có lẽ vì vậy, Vũ Ngọc Tiến mới đặt cho phần ba của cuốn sách “Trăn trở hôm nay” chăng?

 

Bến Tắm, đầu tháng cô hồn, năm Canh Tý

Đ.V.S.

 

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

KHỦNG HOẢNG XÃ HỘI BẮT ĐẦU TỪ GIA ĐÌNH QUA TIỂU THUYẾT “CÕI MÊ”

Đặng Văn Sinh


Có thể xem “Cõi mê” thuộc loại tiểu thuyết thế sự. Là tiểu thuyết bởi nó có cả một hệ thống nhân vật trải rộng trong những vùng không gian khác nhau, kéo dài già nửa thế kỷ đầy biến động của lịch sử dân tộc. Là thế sự, bởi nó luôn cập nhật được sự vận động của cấu trúc hạ tầng thể hiện khá rõ qua những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đương đại trên nền tảng một hệ điều hành vĩ mô không dựa trên quy luật phổ quát mà tự tạo ra luật chơi riêng như là phát minh độc đáo của những người thuộc “bên thắng cuộc”.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

MÓN CHÁO CHẠCH CHẤU VÀ KHÓI THUỐC LÀO VĨNH BẢO...



Mấy chục năm trước, chúng tôi ở công trường 115 nâng cấp đoạn đường 45 km của quốc lộ 43, bắt đầu từ bản Xồm Lồm và điếm cuối là bến phà Vạn Yên của huyện Mộc Châu. Gọi “công nhân cầu đường” cho nó oai, chứ thực ra, cái nghề này thời Pháp thuộc người ta gọi một cách miệt thị là “phu lục lộ”. Dân công trường tứ xứ, học vấn thấp, thậm chí có khá nhiều trường hợp chưa biết chữ. Tốt nghiệp cấp II đã hiếm, cấp III lại càng hiếm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đây là những anh chị em sa cơ lỡ vận vì chót thác sinh vào các gia đình mà bố mẹ được/ bị chính quyền xếp vào thành phần tư sản, địa chủ, có tội với nhân dân.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

TIẾN SĨ ĐINH CÔNG VỸ , MỘT CHUYÊN GIA “BÊN LỀ CHÍNH SỬ”...



 Đặng Văn Sinh




Tôi có cơ may từng đọc một số tác phẩm của Đinh Công Vỹ trước khi làm quen với ông nhân cuộc hội thảo khoa học về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Đinh Công Vỹ sinh ra ở Xứ Đoài, nơi có ngọn núi Ba Vì quanh năm lãng đãng màu mây trắng.
Xứ Đoài là vùng địa linh nhân kiệt, là cội nguồn xuất phát của nền văn minh Đại Việt nên có lắm người hiền, mà một trong số đó là làng cổ Đương Lâm từng xuất sinh hai vị vua nổi tiếng. Xứ Đoài còn là vùng đất của linh khí văn chương. Chưa kể trong lịch đại, chỉ tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, Sơn Tây đã xuất hiện hai ngôi sao rực rỡ trên văn đàn là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Quang Dũng Bùi Đình Diệm.
Xứ Đoài lắm anh tài như vậy, thế nên, được làm bạn với Đinh Công Vỹ thật là một vinh hạnh. Như vậy, cho đến lúc này, ít nhất tôi cũng đã có hai người bạn Xứ Đoài, bởi ngoài Đinh Công Vỹ ra còn có một ông nghè khác, quê đất Đường Lâm, rất nổi tiếng là nhà Hán Nôm học Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện.