Đặng Văn Sinh
Hai tập thơ mới xuất bản năm 2019 của Phạm Xuân Trường
mang những cái tên rất chi là “khiêu khích”. Đó là “Kỳ hồ” và “Dị thảo”. “Dị
thảo” thì có thể hiểu là loài hoa lạ, còn “Kỳ hồ” là gì? Trường hợp này, có vẻ
như tác giả chơi chữ, cắt phần đầu của câu thơ “Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ” ở
bài 狼跋 “Lang bạt”, thiên 豳風“Mân phong” trong “Kinh thi” để đánh đố thiên hạ chăng? Nghĩa gốc của 狼跋其胡,载疐其尾 (Lang bạt kỳ
hồ, tái chí kỳ vĩ) là con sói bước
tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải
cái đuôi của mình, ám chỉ sự lúng túng, không biết làm thế
nào. Như vậy, ở đây đã có
sự hoán đổi nội hàm câu thơ cổ Trung Quốc qua mấy ngàn năm du nhập vào Việt Nam
như sự ẩn dụ bản tính nay đây mai đó của chàng thi sĩ lúc nào cũng tôn thờ “chủ
nghĩa xê dịch”.