Hoàng Tuấn Công
Nhiều trường hợp, GS Nguyễn Lân giảng
giải, chú thích sai hoặc quá mơ hồ, chung chung về các sự vật,
hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong thành ngữ tục ngữ:
○ “theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã)
Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.
Giải thích nghĩa đen không đúng. Con voi to lớn, nên
đôi hàm răng khổng lồ của nó cực khoẻ. Voi lại rất thích ăn mía. Bó mía đối với
nó cũng giống như bó cỏ non mềm mà thôi. Bởi vậy, khi ăn mía, nó không “nhả
bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả. Vậy, tại
sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”? Mía là thức ăn ưa thích nhất
của voi. Bởi vậy, quản tượng thường dùng thứ thức ăn vừa mềm, vừa ngọt này để
dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho
những con phải làm việc nặng nhọc. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân
gian đã liên tưởng cách ăn mía của người, để chế giễu sự ngộ nhận, nhầm lẫn về
cách ăn mía của voi. Tuy nhiên, có một thực tế là khi ăn, voi tiêu hoá không
hoàn toàn. Nghĩa là trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật.
(Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ
phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã
mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía”
ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để
chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít”
đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ!