Đặng Văn
Sinh
Giống như
tiểu thuyết tâm lý xã hội, nhưng “Vỡ vụn”* lại có hình thức bố cục như là công
nghệ lắp ghép những mảng. khối trong nghệ thuật hội họa nhằm tạo hiệu ứng bùng
nổ qua sự tương phản. Tuy nhiên, ngay cả ở dạng cấu trúc lạ mắt này, xem ra
cũng chỉ được giới hạn trong phạm vi ước lệ, điều đáng quan tâm chính là vấn đề
tác giả đặt ra và cách giải quyết những vấn đề ấy trong các mối tương quan xã
hội như một triết lý sống.
Cấu trúc
“mảng” trong “Vỡ vụn” được hiển thị khá rõ qua ba lĩnh vực đặc trưng: tình yêu,
gia đình và chính trị, trong đó, mảng gia đình truyền thống, vốn là đề tài muôn
thuở từng tốn không ít giấy mực của nhiều thế hệ cầm bút, lại được tác giả sử
dụng phương pháp “ký họa” phác thảo đôi ba nét chấm phá. Trong khi ấy, đề tài
chính trị tuy chỉ được nhấn nhá bằng những diễn ngôn khá chừng mực nhưng lại có
sức cuốn hút lớp bạn đọc mẫn cảm với thời cuộc bằng bút pháp lý tưởng hóa. Đó
là sự kỳ vọng về một bộ máy quản lý nhà nước “liêm chính”, nhưng lại phải đối
diện với một thực trạng cay đắng, khi mà tệ nạn chạy chức chạy quyền, được cụ
thể hóa bằng những cuộc “đi đêm” ly kỳ, chẳng khác gì thám tử Sherlock
Holmes trước mỗi mùa bầu cử.
Lẽ đương nhiên, tình yêu giống như một “đại
khối tự sự” chiếm phần lớn dung lượng tiểu thuyết “Vỡ vụn”. Tình yêu của cặp
trai gái khá chênh lệch về tuổi tác này được tác giả nâng niu, chăm sóc, miêu
tả dưới nhiều sắc thái khác nhau. Có thể nói người viết rất am tường về ngôn
ngữ trái tim, chẳng biết đã từng trải nghiệm hay chưa, nhưng cái cách ông miêu
tả diễn biến tâm lý của cả cô gái trẻ giầu cá tính lẫn người đàn ông giảng viên
đại học trong quá trình họ tìm đến với nhau thật đáng nể. Bỏ qua những định
kiến xã hội hẹp hòi, đặt sang bên thứ quy phạm giả tạo trong một xã hội mà mọi
giá trị đang bị tha hóa, mối tình của Chính và Thảo cần được ghi nhận như là sự
cố gắng bứt phá khỏi những nghĩa vụ đạo đức, luôn ràng buộc con người, đến với
khát vọng tự do nhưng lại có kết cục không mấy suôn sẻ.