Nhãn

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

BAO GIỜ CHO ĐẾN ...NGÀY XƯA? (kỳ 2)



Đặng Văn Sinh

Từ nhiều đời nay, vùng chiêm trũng Ba Tổng là nơi quần cư của hàng chục làng nằm dọc con sông Kinh thơ mộng nhưng lắm lúc cũng đỏng đảnh chẳng khác gì cô gái đẹp đã qua thời xuân sắc. Mùa lũ đến, nhất là vào dịp trước rằm tháng Bảy, cư dân bên sông giật mình thon thót mỗi khi nghe sóng vỗ oàn oạp vào kè đá. Các xứ Yên Ninh, đồng Tè, Cao Đôi, Chi Điền, An Điền... nằm trên vùng phù sa cổ, đất đã bạc màu, năng suất lúa thấp nhưng bà con vẫn làm một năm hai vụ, đủ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người nhà quê. Người nhà quê, cả đời chưa một lần đặt chân đến kẻ chợ nhưng lại hiểu rõ "tính nết" các thửa ruộng như từng đường chỉ trên lòng bàn tay.

Ngày mùa, vào cữ tháng mười ta, khi ấy trà lúa sớm đã bắt đầu thu hoạch, từng gánh lúa kĩu kịt theo chân các cô thôn nữ về nhà. Những mô rạ được xén đều tăm tắp, sắp hàng bồng bềnh dưới bầu trời nắng hanh vàng. Thời điểm ấy cũng là lúc  chúng tôi rủ nhau đi bắt chạch. Có thề nói, chạch là thứ ân huệ trời ban riêng cho các cư dân đồng chiêm. Nó đi vào bữa ăn thường ngày của mỗi gia đình như là một sự đương nhiên, như một nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình mà Kinh Thầy là một chi lưu.
Gặt mùa xong, nhiều khu đồng, ruộng đã cạn. Gió mùa tràn về làm se cỏ mật tỏa hương dìu dịu. Lúc ấy, loài chạch rút xuống hang, ẩn mình ngủ đông cho đến khi nhà nông đổ ải. Hang chạch được đào ngầm dưới mặt ruộng, có khi sâu đến ba bốn mươi phân, kích thước cỡ ngón tay, tuyệt đẹp như những công trình kiến trúc mi ni. Mỗi hang thường có vài ba ngách, chẳng khác gì hệ thống địa đạo để chạch thoát hiểm nếu chẳng may bị tấn công bất ngờ. Cư trú dưới đất nhưng chạch di chuyển khá nhanh và rất nhẹ nhàng nhờ thứ chất nhờn từ lớp da như dầu nhớt bôi trơn xung quanh hang.
Chạch tháng Mười béo vô cùng. Con nào cũng múp đầu, mình nhẵn bóng, óng ánh hoa văn như được thếp vàng. Chạch đồng ưa sống ở những chân ruộng vàn gần nước. Anh chàng nào tình cờ tìm được góc trũng, gốc rạ còn ẩm thì coi như hôm ấy thần tài gõ cửa. Đồ nghề chỉ cần chiếc thuổng chuyên dụng, lần lượt xén từng lớp đất mỏng từ ngoài vào, cho đến sát bờ là được một giỏ đầy.
Chạch đồng dễ chế biến, có thể kho khô với tương Bần, om củ chuối, nấu canh chua hay tẩm bột rán ròn nhắm rượu không mấy cầu kỳ. Nhưng ngày nay, những món ăn dân dã như thế chỉ có thể tìm được ở nhà hàng  khách sạn 4, 5 sao nhưng chưa chắc đã là sản phẩm bản địa, mà rất có thể được nhập từ Thailand, thậm chí "nước lạ" theo đường tiểu ngạch, với quy trình nuôi thả rất đáng ngờ...
 Bọn trẻ trâu bé tí tẹo đội nón, trông xa chẳng khác gì cây nấm, xách giỏ chạy theo các bác thợ cày. Chúng vừa tranh nhau nhặt những con chạch vàng ươm bị bật khỏi hang vừa lấy tay quệt mũi. Có thằng chân ngắn, chạy không kịp vấp ngã, trán đập xuống vãng cày, mặt nguệch ngoạc như hề mồi nhưng tay vẫn khư khư ôm cái giỏ tre lủng lẳng bên sườn. Đối với chúng tôi ngày ấy, học chỉ là phụ, chăn trâu, bắt chạch, tát vét, vồ châu chấu mới là công việc chính, bởi nó liên quan trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày. Ra đồng, chúng tôi cảm thấy mình gần gũi thiên nhiên, hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên với vô vàn sắc thái sinh động. Trong nắng, trong gió và trong cả nỗi nhọc nhằn của đồng quê lam lũ một nắng hai sương, khi ấy ta mới hiểu được cái hồn cốt tiềm tàng trong những thứ có vẻ rất tầm thường như nghề bắt chạch.
Ra khỏi làng, lũ trẻ choai choai mải chơi lắm, có hôm lưng lửng giỏ, nhưng cũng chẳng ít ngày về không. Thường là trời đã quá trưa, đứa nào đứa ấy, thuổng vác trên vai, vừa đi vừa chay về nhà cho kịp đến trường. Những năm ấy, trên lưng đám học trò nhà quê chỉ phải mang rất ít sách vở, chưa được nếm mùi học thêm lu bù và các loại phí cao ngất ngưởng như bây giờ, nên cái tuổi "nhất quỷ nhì ma..." gần như kéo dài vô tội vạ. Ngồi trong lớp nhưng tâm trí lũ con trai luôn để ở những khoảnh ruộng trũng mãi tận Cao Đôi, La Đôi, Tống Xá, Hà Liễu..., với cơ man nào là chạch, cũng như mấy đoạn mương, nước ngập quá bắp chân, hứa hẹn một buổi tát vét tập thể, vừa vẩy bùn vào nhau, vừa mò đám cá trê đầu bẹp, da bóng nhẫy với bộ râu phật phờ tõe ra hai bên mép.
Qua mấy mùa chạch, con trai làng Yên lớn phổng lên, gặp thời tao loạn, kẻ nhập ngũ vào chiến trường, người đi Thanh niên xung phong, hiếm hoi lắm mới có đứa thi đậu đại học, để lại đồng điền cho đám con gái trông nom. Gái làng Yên tình cảm và lắm mộng mơ nhưng không cô nào vác thuổng đi đào chạch. Chẳng phải các thôn nữ xinh đẹp không nắm được quy trình bắt loài thủy tộc da trơn này, mà hình như họ có ý chờ cánh lực điền ở chiến trường về để cho ra đời lớp "nghệ nhân" cầm thuổng của thế hệ tương lai, vì nói chung, ở vùng Ba Tổng, nhất là làng Yên, người lớn ít khi đi bắt chạch.
Nhưng buồn thay, các cô cứ chờ, chờ mãi, cuối cùng cái mà họ nhận được chỉ là những mảnh giấy báo tử lạnh lùng, sau đó là vô số vành khăn tang và những người phụ nữ quá lứa nhỡ thì. Những năm chiến tranh khốc liệt ấy, trai làng Yên khoác chiến bào ra trận, mười người đi thì có đến tám, chín HỒN VỀ SẦM NỨA CHẲNG VỀ XUÔI, như Quang Dũng từng viết trong bài thơ "Tây Tiến".
Từ đấy làng Yên thất truyền nghề bắt chạch...

Chí Linh, năm Đinh Dậu, tháng mạnh đông, ngày lành
Đ.V.S.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét