Nhãn

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Chớ có bao giờ đụng đến Việt Nam




Chớ có bao giờ đụng đến Việt Nam

Ngô Việt Dũng


"KHÔNG ĐƯỢC ĐỤNG ĐẾN VIỆT NAM!"
Đó chính là lời căn dặn trước khi chết của Bin Laden đối với các thuộc hạ.
Lý do như sau:
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda trước đây đã nhiều lần cử các phần tử khủng bố sang Việt Nam làm nhiệm vụ nhưng đều thất bại cay đắng.
Tên thứ nhất sang ám sát một đ/c lãnh đạo, nhưng đ/c này họp hành tiếp khách triền miên. Tên này mòn mỏi đợi chờ đến nỗi hết hạn visa, hết tiền khách sạn mà đ/c vẫn chưa họp xong, đành từ bỏ nhiệm vụ quay về căn cứ chịu tội.
Tên thứ hai bị ngập giữa đường phố Sài Gòn, xe hỏng nặng, thuốc nổ ướt sũng, nhiệm vụ thất bại.
Tên thứ ba ra Hà Nội khủng bố Ga Hàng Cỏ nhưng không tài nào chen lên xe buýt được.
Tên thứ tư bị trộm móc mất thiết bị điều khiển từ xa ở cổng chợ Bến Thành, rút chiếc xơ-cua ra chưa kịp bấm nút cũng bị 2 kẻ đi mô tô giựt mất luôn.
Tên thứ năm đánh bom Chùa Hương nhưng từ Ngã Tư Sở đã bị đám Cò bám riết như đỉa, tìm mọi cách cũng không sao thoát được, nhiệm vụ thất bại thảm hại.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



      

                           

  Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười hai        

*

  Ông công an điều tra cấp tỉnh xem ra còn có văn hoá và khả năng nhẫn nại hơn nhiều so với người đồng nghiệp dưới huyện. Ông này không thuyết lý dài dòng mà đi ngay vào bản chất của sự việc:
  - Thực ra, trong thời gian qua chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ về anh. Việc anh Khải đi khỏi làng không báo cáo chính quyền hẳn là đã có một kế hoạch được sắp đặt từ trước. Ở huyện công an, anh có ý định giấu trình độ học vấn nhằm mục đích gì?
Nghiên im lặng. Ông công an tiếp tục, giọng đều đều vô cảm:
 - Các anh được đào tạo rất bài bản trong hệ thống nhà trường thực dân, bị nhồi nhét toàn những tư tưởng phản động và hệ ý thức nô dịch, trong thâm tâm rất bất mãn với chính quyền mới và luôn chờ dịp để chống lại.
  Nghiên thấy đã đến lúc phải chứng tỏ thái độ của mình:
  - Lập luận của ông không đúng vì nó xuất phát từ nhận định chủ quan, mang tính áp đặt.
  - Anh dám…
  - Ông cứ bình tĩnh.- Nghiên xua tay cắt lời. - Trước hết chúng tôi cùng giai cấp với ông. Bố tôi là đảng viên đảng Lao động, hoạt động cách mạng nhiều năm và đã bị đế quốc cầm tù. Cách mạng thành công, ông ấy được cử làm Chủ tịch huyện, vậy mà hồi Cải cách bị đem ra xử bắn với tội danh rất mơ hồ là tay sai Quốc dân đảng. Từ cái chết oan ức của cha tôi, các ông nhân danh bần cố nông, tước hết số tài ít ỏi, đuổi chúng tôi ra khỏi làng, thử hỏi đấy là thứ đấu tranh giai cấp  gì?

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long



Thụy Khuê
 
Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long


Chương 1


Nhu cầu viết lại lịch sử thời Pháp thuộc


Tại miền Nam trước 1975, nền giáo dục phổ thông dựa trên bộ Việt Nam Sử Lược (1920) của Trần Trọng Kim. Đào sâu về thời Pháp thuộc hơn, có bộ Việt Nam Pháp thuộc sử 1884-1945 (1961) của Phan Khoang. Các nhà viết sử lớp sau như Phạm Văn Sơn cũng chỉ dựa trên hai cuốn sử này mà viết rộng ra, chứ không có khám phá mới.
Trong bài tựa cuốn Histoire moderne du pays d'Annam (1592-1820) [Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)] của Charles B. Maybon, in năm 1920, Henri Cordier cho biết cuốn sử đầu tiên mà độc giả Pháp được biết về nước Nam là cuốn Cours d'histoire annamite [Giáo trình lịch sử An Nam] của Trương Vĩnh Ký in năm 1875.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết xong năm 1919, in lần đầu năm 1920, dưới thời Pháp thuộc, tất nhiên có sự kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa. Học giả họ Trần, uyên thâm chữ Nho và chữ Pháp, tuy có đọc những bộ sử của nhà Nguyễn, nhưng ông vẫn đặt niềm tin gần như trọn vẹn vào tài liệu Pháp. Khi nhận định về những lý do của cuộc xâm lăng, Trần Trọng Kim lấy lại ý kiến của các sử gia thuộc địa, cho rằng vì triều đình Huế không chịu canh tân đất nước, áp dụng chính sách bế quan toả cảng, cấm đạo, diệt đạo, nên người Pháp mới đánh Việt Nam, để cứu giáo dân, giáo sĩ và bảo vệ tự do buôn bán.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


                              PHẦN THỨ HAI

                         Chương mười hai        

         1


Lê Văn Khải đi khỏi làng Cùa được ba hôm thì Trương Đình Tái, quyền Trưởng công an đem hai dân quân đến Trại Cá bảo mẹ con bà Hai:
 - Anh Nghiên theo chúng tôi ra ủy ban.
Khúc Thị Hài chột dạ bảo:
 - Nó làm gì mà các ông bắt?
 - Có chuyện đấy, đến ủy ban khắc rõ.
Bà Hai lắc đầu:
 - Chắc lại chuyện thằng Khải.
Nghiên bị dẫn ra trụ sở. Bùi Quốc Tầm đã ngồi chỡ sẵn.
             - Thằng Khải đi đâu?
Quả nhiên không ngoài dự đoán. Thấy thái độ hách dịch của Chủ tịch xã, nghiên ngứa mắt muốn quại cho hắn một phát vào mặt nhưng bắt buộc phải tỏ thái độ lễ phép một cách giả tạo:
 - Thưa ông Chủ tịch, nhà tôi không có ruộng mà những bốn miệng ăn nên anh ấy phải đi kiếm việc làm.
Tầm lại hỏi:
  - Làm ở đâu? Lúc đi sao không ra xã trình báo?
  - Anh ấy bảo chỉ đi ít hôm rồi lại về nên chúng tôi chưa kịp báo với ông Tái.
Tầm hắt hơi liền mấy cái, khạc đờm nhổ xuống đất rồi sẵng giọng :
  - Những đối tượng như các anh ra khỏi làng nửa ngày cũng phải xin phép. Đấy là quy định của chính quyền.Thế mà anh Khải vắng nhà đã ba ngày không lý do.Yêu cầu anh khai thật ra.
  - Tôi đã bảo là anh ấy đi tìm việc làm, khi chưa tìm được thì không thể nào có nơi cư trú để trình báo với các ông.
  - Anh cũng lắm lý luận gớm nhỉ? - Tầm châm chọc. - Vậy tôi hỏi anh, tại sao trước khi đi anh Khải không xin phép?
    Nghiên cười nửa miệng, nhìn vị Chủ tịch cố nông như nhìn một con lừa:
  - Anh ấy biết trước, có xin các ông cũng chẳng cho đi. Đói bụng đầu gối phải bò. Chẳng lẽ cứ ngồi nhà chờ chết đói?
  - Thế là rõ. - Tầm cười đắc thắng. - Vậy thì anh hãy tạm xuống buồng giam dưới kia, đợi đến khi nào thằng Khải về sẽ được ra.
  Ngày thứ tám, Trương Đình Tái mang lệnh của Chủ tịch ủy ban hành chính xã Đoàn Kết đọc cho mẹ con bà Hai nghe:
  - Từ ngày hai mươi bốn tháng ba năm…, vợ hai địa chủ Khúc Đàm là Phùng Thị Thoả, con gái là Khúc Thị Hài, vợ tên Quốc dân đảng Lê Văn Vận, có nợ máu với bà con bần cố nông, lập tức phải rời xóm Trại Cá ra đồng Chó Đá ở, nếu cố tình trái lệnh sẽ bị tống giam. Chủ tịch Bùi Quốc Tầm đã ký.
  Sáng sớm ngày hai mươi nhăm, mẹ con bà Hai cho tất cả đồ đạc tuỳ thân vào đôi quang thúng. Khúc Thị Hài gánh, còn bà mẹ khoác chiếc bị cói thập thững theo sau. Từ xóm Trại Cá đến đồng Chó Đá không xa lắm nhưng phải qua khu ruộng trũng hàng năm chỉ cấy một vụ còn một vụ bỏ hoá vì ngập nước. Khu đất mà xã Đoàn Kết bố trí cho các hộ địa chủ ở cách bãi tha ma chưa đầy trăm thước. Nơi đây mười lăm năm trước, sau trận huyết chiến giữa quân Áo đen của Khúc Kiệt với lính Nhật của Hirosi, làng Cùa đã phải chôn liền một lúc hơn bẩy chục người vô tội. Xương thịt của họ đã tan vào lòng đất làm xanh tốt hàng ngàn thế hệ cỏ cây nhưng linh hồn họ chắc gì đã được siêu thoát về nơi tịnh thổ.

Hậu Chuyện kể năm 2000



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 9


Bùi Ngọc Tấn

Đinh Chương và tôi đều phải rời cơ quan báo, đi cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực sự hiểu mình đã là những con mồi của nhà tù đói khát, là vật phẩm của ông giám đốc công an Hải Phòng muốn có cái lễ biện lên ông Lê Đức Thọ trong hoàn cảnh thiên tải nhất thì đấu tranh chống xét lại này, để được lọt mắt xanh, đạt được một bước ngoặt trên con đường “phục vụ cách mạng”
Mùa đông năm 1967 chúng tôi về một làng ở Thủy Nguyên — Phả Lễ hay Phục Lễ, tôi không nhớ — học tập chính sách cải tiến quản lý hợp tác xã để trở thành anh cán bộ Đội. Nông thôn ngày ấy cực kỳ nghèo đói. Tường đất. Sân đất. Mái rạ mỏng kẹt. Nhà nọ nhìn sang nhà kia thông thống. Chúng tôi được một người trong ban tổ chức lớp học đầy nghi vấn xếp ở một nhà chỉ có hai mẹ con, bà mẹ già và cô con gái. Ăn tập trung ở bếp, còn ngủ trên một cái giường gian bên, đầu giường gần sát bàn thờ gian giữa. Đã là những con thú bị săn đuổi, chúng tôi rất cảnh giác. Đặt ba lô chăn màn xuống giường, chúng tôi quan sát chung quanh, quan sát gầm giường. Không có gì đặc biệt. Nhìn dưới gầm bàn thờ: Một cái hòm gỗ mới tinh đánh dầu bóng đỏ au, rất lạc lõng với đồ dùng trong nhà cũ kỹ bụi bặm. Phải là một nhà khá giả mới đóng được một đồ mớp thế này — dù nó chỉ to gấp hai gấp ba, bốn cái hòm cắt tóc, bởi gỗ thời đó cực kỳ quý hiếm. Không chỉ đỏ au, nó còn được khóa kỹ, chiếc khóa đồng mới tinh bóng loáng, hoàn toàn không ăn nhập gì vói đồ đạc trong nhà. Chính đây rồi. Không nghi ngờ gì nữa.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 8)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 8

Bùi Ngọc Tấn


Chữ của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản dị, âm thầm, khắc khoải, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù trong trại, để rồi chiết xuất được hai tiếng “say tù.” Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở. Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh, ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng — điều đặc biệt của tiếng Việt — lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn uyển chuyển như múa, như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện dài.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Nguyên khí (kỳ 14)




  NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường




                14. THÁI PHÓ ĐINH LIỆT


                 Dã kính hoang lương hành khách thiểu
                      Cô châu trấn nhật các sa miên

                    ( Đường vắng cô liêu người thưa bóng
                     Thuyền côi ghếch bến ngủ triền miên)

                  ( Trại đầu xuân độ - Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi)

Bấy giờ Thái phó Đinh Liệt cùng với Đại Đô đốc Nguyễn Xí, Nhập nội Kiểm hiệu Lê Thận đặc trách trông coi chính sự trong thời gian vua Lê Thái Tông đi kinh lý miền Đông.
Ngày đức Lê Thái Tổ lâm chung, người được nhà vua gọi riêng đến ký thác con côi Lê Nguyên Long, không ai khác là Đinh Liệt. Bởi về huyết thống, Đinh Liệt gọi nhà vua là cậu ruột. Ông là con nhà võ, nhưng thông hiểu chữ nghĩa, văn chương, tính tình điềm đạm khoan hoà. Lại nữa, từ ngày ông lấy được nàng Lương Minh Nguyệt, nữ lưu vùng Sơn Nam Hạ, nức tiếng có giọng hát Chầu văn, Ả đào mê hoặc lòng người, thì con người ông có nhiều đổi khác. Ở ông không có tính quá khích của dân xứ Thanh và máu công thần bè phái của Lam Sơn hội như bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Vấn, Lê Thận, Lê Ê, Lê Hiệu... Cũng không có sự giảo hoạt, xu thời lựa thế của danh sĩ đất Bắc như bọn Phan Thiên Tước, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Liễu…Ông cũng không quá ủng hộ Quốc vương Tư Tề như bọn Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Trãi… Nếu cho ông lựa chọn người kế vị, tất nhiên ông sẽ chọn Lê Tư Tề, vị hoàng trưởng tử, ngoài hai mươi tuổi đã kinh qua trăm trận, đã từng trực diện bang giao với quân Minh để dẫn tới hội thề Đông Quan, chấm dứt ách nô dịch ngoại bang, chứ không phải Lê Nguyên Long, một cậu bé 11 tuổi ham chơi, chưa hề ý thức gì về bản thân mình, chưa có ý niệm về giang sơn xã tắc. Nhưng khi đức vua Thái Tổ, trước lúc lâm chung, đã quyết chọn Lê Nguyên Long làm người kế vị, và chọn Đinh Liệt làm người thực hiện di mệnh, thì ông không thể làm khác. Thực tế chín năm qua đã cho thấy lòng trung thành tuyệt đối ở ông. Ông và vợ con ông có thể chết để bảo vệ đức vua, bảo vệ vương nghiệp.

Hậu Chuyện kể năm 2000 (tiếp theo)

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 7

Bùi Ngọc Tấn   


Thời ấy điện là thứ xa xỉ. Chỉ có một tí vào buổi tối nhưng cũng cách nhật. Điện hầu như chỉ thực hiện một chức năng nhiệm vụ để mọi người không quên xử dụng công tắc  như cách nói của Nguyên Bình.Và làm người ta nhức nhối thần kinh khi từ nhà mình quạt nan phì phạch tối thui mồ hôi ròng ròng, con khóc ời ợi, muỗi vo ve bên tai, nhìn sang những nhà ưu tiên có điện sáng trưng quạt máy vù vù, cát-xét oang oang, fi-dơ làm đá chạy suốt ngày đêm như nhìn sang một hành tinh khác, chứng kiến cuộc sống một loài sinh vật cao đẳng dù họ chỉ là một cán bộ uỷ ban, một chủ tiệm giải khát hay một hộ làm nghề uốn tóc, một anh làm toà án, một anh thuộc Sở Điện Năng vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên đầy “tình cảm”: Sở Điên Nặng.
Tôi thắp đèn dầu ngồi viết. Sáng ra rửa mặt, ngoáy mũi, khăn mặt đen sì vì khói dầu. Không điện nghĩa là không quạt. Mồ hôi rỏ giọt xuống bản thảo. Chân tay dính bết. Không sao. Tôi không phe phẩy chiếc quạt nan mà ngồi lì cả tiếng đồng hồ trên sàn trước ngọn đèn dầu và xếp giấy trắng. Viết văn với tôi giống một công việc khổ sai. Lại cũng giống như thi đấu thể thao. Phải căng hết sức ra luyện tập. Kiên trì ngày này sang ngày khác. Không được lười. Có đến một vạn lý do để tặc lưỡi gác công việc lại. Thành tích là từ những nỗ lực rất nhỏ. Không phải tự nhiên mà đạt được tới cái trần của mình. Ở xí nghiệp, tôi có bàn để viết. Còn về nhà, bàn viết của tôi là cái ghế xa lông gỗ gõ tôi gửi anh em tầu cá mua từ Hố Nai chở ra, niềm tự hào một thời của gia đình tôi, nó làm sáng cả căn buồng. Tôi ngồi bệt xuống sàn lim. Tôi thó vài chục tờ giấy Bãi Bằng của xí nghiệp đem về nhà. Tôi viết bằng bút bi — cũng của xí nghiệp phát. Tôi miệt mài cặm cụi tới khuya. Vợ tôi buông màn nằm ngủ dưới sàn ngay sau lưng tôi. Khi thức, phe phẩy quạt cho tôi. Rồi thiếp đi. Nửa đêm chợt tỉnh, thấy tôi vẫn lụi cụi cắm mặt vào xếp giấy, vừa quạt cho tôi vừa cằn nhằn:

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)




    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

             PHẦN THỨ HAI

           Chương mười một     
 
Chuyện bắt đầu bằng việc anh chàng Hà Thiết vào rừng đốn gỗ làm nhà. Vợ anh ta là Nông Thị Nhóng, đẹp nhất bản Nà Ngườm. Mấy tháng trước, Chánh tổng Bế Hữu Tài đã đem bạc trắng đến nhà Nông Viết Định hỏi Nhóng cho con trai mình là Bế Tòng nhưng việc không thành. Nhóng bảo: Bố mế tham bạc trắng bán con cho nhà giàu là con nhảy xuống vực Thuồng Luồng. Ông Định sợ, bởi hồi đầu năm chẳng hiểu vì sao, Mã Thị Nhàn, vợ thằng Tòng, nửa đêm chạy ra rừng ăn lá ngón chết. Mấy bản quanh vùng, con gái nhà ai cũng sợ về làm dâu họ Bế. Đám cưới Thiết và Nhóng như cái gai chọc vào mắt Bế Hữu Tài. Lão không nói ra nhưng trong lòng luôn ngấm ngầm đợi dịp trả thù.
Từ lâu, Bế Hữu Tài đã làm chức việc cho người Pháp. Thỉnh thoảng lão lại cưỡi ngựa lên đồn Pha Lay ở châu lỵ Bình Xuyên chơi với quan Ba mắt xanh mũi lõ. Viên Chánh tổng này còn có biệt tài đánh hơi mùi hổ cốt. Dù ở thung lũng đá xám mờ sương hay trên đỉnh Thiên Phong quanh năm tuyết phủ, nghe tin phường săn nào bắn được hổ là lập tức lão sai tay chân đến lấy bộ xương về nấu cao. Dân Bình xuyên ai cũng thù lão. Bế Tòng giống hệt tính bố, coi thiên hạ như rác. Trong những cuộc chè chén với lũ đàn em, hắn thường huyênh hoang tuyên bố:

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 6)


HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 6



Bùi Ngọc Tấn   



       Thế mà bây giờ tôi đang viết. Đang viết chuyện tù. Đang viết và đang viết về một đề tài cấm kỵ nhất, độc đáo nhất, chưa ai từng viết. Đành rằng đã có nhiều người viết và gọi người đến nhà nghe mình kể để viết chuyện tù của mình. Nhưng đấy là chuyện trong nhà tù đế quốc, chuyện những nhà cách mạng dứt bỏ gia đình hy sinh xương máu, lật đổ chế độ áp bức bất công tàn bạo để đất nước, nhân dân bước vào cuộc sống mới. Dòng văn học tù đầy dường như đã kết thúc với những hồi ký trong nhà tù đế quốc với những nhân vật được thần thánh hoá, lung linh huyền ảo, những cứu tinh đã sang trang cuộc sống cho đất nước, cho nhân dân.

Và tôi, chính tôi là người viết tiếp dòng văn học tù đầy tưởng đã chấm hết ấy. Tôi viết về nhà tù trong chính cuộc sống mà người ta nghĩ rằng, nói rằng, tưởng rằng đã bị tiêu diệt trong cuộc sống mới và không bao giờ còn trở lại. Tôi viết về những khổ đau oan khuất vẫn tiếp diễn, sinh sôi và phát triển, những điều là khẩu hiệu, là mục tiêu để cách mạng giương cao ngọn cờ, tập hợp vận động lôi kéo nhân dân tiêu diệt, và tưởng đã tiêu diệt hoàn toàn, nhưng hoá ra vẫn còn nguyên như cũ — và cho đến bây giờ đã hơn cũ, vượt cũ rất xa — chỉ thay đổi diện mạo, thay đổi ngôn ngữ, thay đổi y phục mà thôi. Le roi est mort, vive le roi. Đức Vua băng hà, Đức Vua vạn tuế. Trong xà lim tôi đọc đi đọc lại câu ấy trong tập Anna Karenina, tập sách Dương Tường dịch và tặng tôi mà buổi sáng 8-11-1968 đến bắt tôi, thấy bộ sách để ở đầu giường, người cảnh sát đã bảo tôi “mang vào trong ấy mà đọc.” Nó mãi mãi là chân lý. Những thông tin tôi đưa ra sẽ hoàn toàn mới, chưa từng có trong văn học cách mạng. Tôi đang phơi ra ánh sáng một mảng hiện thực đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại lâu dài. Còn tồn tại lâu dài. Tồn tại và phát triển. Chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học. Bây giờ trường học nhiều hơn nhưng nhà tù cũng nhiều hơn. Tôi đang viết về một sự phát triển xoáy trôn ốc của lịch sử, của tự do đây.

Nguyên khí (kỳ 13)






     NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

  
                 13. VUA LÊ THÁI TÔNG
 
                         Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
                         Cho hay đường lợi cực quanh co.

                    (Ngôn chí -19 – Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )

Mùa Thu, tháng bẩy, ngày 27, vua Lê Thái Tông đi tổng duyệt binh mã và kinh lý miền Đông.
Loan giá nhà vua khởi từ điện Phụng Thiên ra bến Đông. Xe kiệu các quan lục tục đi theo. Dân hai bên đường đèn nhang hương án chầu chực từ  mờ sáng để được thấy mặt rồng. Thiên hạ  đồn vua Lê Thái Tông từ khi sinh hoàng tử  Lê Tư Thành đã trở thành đấng quân vương văn võ toàn tài, bước vào tuổi 20 với bốn lần thân chinh tiễu phạt, chưa bao giờ rạng rỡ oai phong như hôm nay. Bộ long bào màu hoàng nguyên, cân  đai nạm ngọc lưu ly, mũ xung thiên, dận hài kỳ  lân, càng khiến nhà vua ngời ngợi anh tú. Các quan văn võ phẩm phục đại lễ, quan văn đội mũ ô sa, quan võ mũ đâu mâu, tua lông đuôi trĩ, ngợp giữa kim qua, phủ, việt, lọng, phướn, tinh kỳ, mao tiết, chương phiến…Từ ngày quan Đô giám Lương Đăng thay điển nhạc, nghi trượng, phẩm phục triều đình, đây là lần đầu tiên dân thành Thăng Long được chào đón một cảnh tượng ngoạn mục đến thế.
Người ta trầm trồ, xúyt xoa, thán phục. Nhưng cũng có kẻ rỉ tai nhau: “Quan Đô giám Lương Đăng đang muốn biến vua quan nước Nam thành một tiểu triều đình Minh thuộc”.
Đoàn thuyền ngự gồm ba lâu thuyền, hai mươi mốt chiến thuyền, cờ súy rợp trời, cơ nào đội ấy sắp hàng tề chỉnh, xuất phát từ bến Đông, ngược sông Nhị Hà, vào sông Thiên Đức rồi xuôi về cửa Lục Đầu.
Tiền quân là chiếc lâu thuyền trên mũi đặt ba khẩu hỏa hổ,do Nhập nội thiếu úy Tổng quản tiền dực thánh quân, Tham tri chính sự Lê Thụ  chỉ huy.
Đại lâu thuyền trung quân, nơi vua ngự, có quan Hành quân Tổng quản tri xa kỵ vệ chư quân sự quản lĩnh Thiết đột hậu dực thánh  quân thái giám ngự tiền lục quân tri ngự tiền võ sĩ ngự tiền trung quân, Thiếu úy Trịnh Khả phò giá. Trong suốt đợt tuần du này, nhiệm vụ của Thiếu úy Trịnh Khả là không lúc nào được rời đức vua.

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười một        


3


Một hôm  Lê Văn Khải bảo mẹ:
- Có khi con phải đi tìm việc làm, cứ tình trạng này thì chết đói mất.
Khúc Thị Hài thương con nhưng xem ra cũng không còn cách nào khác đành miễn cưỡng gật đầu :
- Thế cũng được, ở nhà còn có em Nghiên, đến chỗ làm nhớ viết thư về.
Bà Hai lắc đầu:
- Không có giấy thông hành sao đi được hở cháu? Nhà mình bây giờ  chẳng khác gì tù giam lỏng, ra khỏi làng không trình báo là bị rầy rà.
Lê Văn Nghiên vốn nóng tính, ngang tai trái mắt không chịu được, thủng thẳng bảo:
- Có xuống Uỷ ban xin giấy họ cũng không cấp đâu. Anh cứ đi trước đến chỗ lò gạch cũ ở Phú Đa ấy xem thế nào, nếu làm ăn được em cũng đi.
Khúc Hài bảo :
- Một đứa đi thôi, còn thằng Nghiên phải ở nhà. Chúng mày không thương bà hay sao?
Bà Hai hiểu rõ tâm tính hai thằng cháu từ bé, xem ra khó mà giữ chân chúng được đành chép miệng bảo:
- Cả hai anh em đi được càng tốt không phải lo cho bà. Tao còn khoẻ chán. Chúng mày mà còn ở làng Cùa thì suốt đời không ngẩng đầu lên được.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



   Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười một        
2

          Mặc dù đang đói nhưng làng Cùa vẫn phát động phong trào bài trừ văn hoá nô dịch, chống mê tín dị đoan. Toàn thể thanh thiếu niên, kể cả một số con cái địa chủ phú nông đều phải tham gia chiến dịch này. Lê Văn Khải được cử vào đội tiêu huỷ sách cũ, còn Lê Văn Nghiên trong đội phá đình chùa. Bộ phận của Khải do Trưởng công an Cao Khắc Thông phụ trách. Anh ta tập hợp mọi người ra đình, đọc thông tri của cấp trên sau đó hướng dẫn trình tự công việc. Trong số hơn ba chục thanh niên, có già nửa mới thoát nạn mù chữ, phần đông đang học các lớp bình dân do các ông thầy vừa biết đọc biết viết khoá trước dạy. Cao Khắc Thông cử tổ thông tin quét vôi vào tường đình, tường miếu, đầu hồi nhà rồi kẻ dòng khẩu hiệu bằng thứ chữ in hoa có chân đế cao bằng cả gang tay: Triệt để bài trừ các loại thầy bói thầy cúng và chó dại hoặc  Kiên quyết tiêu huỷ văn hoá phẩm nô dịch. Mấy ông cung văn chuyên gảy đàn cho các bà đồng bóng ở đền Sòng cứ nhấp nha nhấp nhổm như bị kiến vàng đốt đít, chỉ sợ công an đến rước đi Trại Sung.

"Khúc giao mùa" và rượu cần miền sơn cước



   “Khúc giao mùa” và rượu cần miền sơn cước
        (Vài dòng cảm nghĩ về tập thơ “Khúc giao mùa” của Nguyễn Thị Kim Thu)

           Đặng Văn Sinh 

 Nguyễn Thị Kim Thu

Bút danh :             Nguyễn Thị Kim Thu, Kim Thu, Hải Anh
Sinh ngày  :          15/08/1951
Quê quán :       Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.
Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, tứng là giáo viên trường TCNL Hà Tuyên, Tuyên Quang, phóng viên, BTV báo  Hà Tuyên, Tuyên  Quang, BTV tạp chí Nông thôn mới, Phụ trách Website Trung ương Hội NDVN.

Tác phẩm:                                       
·        Ngôi sao xanh nhấp nháy (truyện ngắn), đạo diễn Vũ Hồng Sơn chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên, công chiếu tháng 03/ 1997 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam
·        Bông hồng không gai (tập thơ), NXB Văn học, 1997
·        Khúc giao mùa (tập thơ) NXB Hội Nhà văn, 2015
Cũng như “Bông hồng không gai”, “Khúc giao mùa”* vẫn cùng một cách cảm, cách nghĩ rất nữ tính của Nguyễn Thị Kim Thu. Có điều, khác với “Bông hồng không gai”, ở tập này, chị nhắc nhiều đến Mùa Thu với những cung bậc tình cảm, những dạng thức biểu hiện tâm trạng khá phức tạp mà nếu tìm hiểu kỹ, người đọc sẽ thấy được có sự chuyển biến về chất giữa hai thời kỳ sáng tác.